Môn võ bắt nguồn từ nước
Nếu mới gặp lần đầu, hiếm ai nghĩ một người như thầy Huỳnh Chiêu Dương lại là một con nhà võ. Dáng người mảnh khảnh, với cặp mắt kính dày cùng với cách nói từ tốn, thầy Huỳnh Chiêu Dương giống một nhà nghiên cứu hơn là một võ sư đã có mấy chục năm rèn luyện võ thuật cũng như sáng lập ra một môn võ riêng tại châu Âu.
Anh Jean-Philippe Crevecoeur biểu diễn bài “Linh Quy kiếm” trong môn thủy Pháp.
Đứa con tinh thần được võ sư Huỳnh Chiêu Dương "ấp ủ thai nghén" từ năm 2000. Đó là trong một chuyến công tác tại Bỉ, khi nhận thấy các bài tập của võ sư Huỳnh Chiêu Dương có thể ứng dụng trong vật lý trị liệu và rèn luyện sức khỏe, nhiều người bạn nước ngoài đã khuyên ông thành lập võ đường. Thế là vào năm 2002, võ sư Huỳnh Chiêu Dương chính thức sáng lập môn phái Thủy Pháp tại thủ đô Bruxelles - Bỉ và bắt đầu tiếp nhận môn sinh đến học.
Khi đề cập đến cái tên của môn võ này, võ sư Huỳnh Chiêu Dương nhắc lại quá trình tập luyện võ thuật cổ truyền Việt Nam khi còn trẻ. Khi ấy, những võ sư mà chàng thanh niên Huỳnh Chiêu Dương theo học không đặt một cái tên cụ thể nào cho môn võ dân tộc mà họ dạy. "Võ nước", “võ làng ", “võ ta”… là những cái tên đầu tiên tôi đã được nghe khi học võ thời còn trẻ. Tuy nhiên nếu để những cái tên ấy thì rất khó tiếp cận với bạn bè quốc tế, vì thế mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm cái tên thích hợp, một cái tên có thể mang đặc tính của môn võ cũng như thể hiện được đặc trưng của văn hóa Việt Nam".
Ngay khi ra đời, thủy Pháp đã thu hút không ít người Bỉ tham gia tập luyện.
Sau rất nhiều trăn trở, cái tên Thủy Pháp ra đời, đánh dấu lần đầu một môn võ của Việt Nam được khai sinh trên đất Bỉ. Chia sẻ về cái tên của đứa con tinh thần, võ sư Huỳnh Chiêu Dương cho biết: "Thủy là nước. Không có gì mềm mại, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ bằng nước. Thủy Pháp là môn võ Việt Nam mang đầy đủ các đặc tính, ưu điểm tuyệt vời của nước". Nước gắn liền với đời sống nông nghiệp của người dân Việt Nam, cũng là thứ chiếm đa số trong cơ thể con người.
Các bài võ của Thủy Pháp được biểu hiện bề ngoài mềm mại, uyển chuyển giống như nước chảy, có lúc giống như vô hình, có lúc giống như mây trôi, cứ thế lặp đi lặp lại hết động tác này tới đường quyền khác. Một trong những đặc điểm rất thú vị của Thủy Pháp là các bài võ có rất nhiều động tác hình tròn, giống với cách những làn sóng lan truyền trên mặt nước. Môn võ này sử dụng sự chuyển dịch của các chất lỏng trong cơ thể để điều hòa khí huyết và khai thông kinh mạch, do đó không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe mà còn phù hợp với phương thức vật lý trị liệu. Khác với các môn võ khác, Thủy Pháp phù hợp cho mọi lứa tuổi khi không đòi hỏi sử dụng quá nhiều sức mạnh trong các bài tập.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương.
Các bài quyền trong môn Thủy Pháp được giới nghiên cứu võ thuật đánh giá mang tính ôn nhu, thuần tĩnh với mục tiêu là khống chế hoặc đẩy lui chứ không nỗ lực triệt hạ đối thủ. Môn võ này chú trọng bảo vệ thân thể người tập một cách từ tốn, cẩn thận, hòa nhã.
Với riêng võ sư Huỳnh Chiêu Dương, Thủy Pháp không đơn thuần chỉ là một môn võ mà còn là một cầu nối đưa văn hóa, lịch sử Việt Nam tới với bạn bè thế giới. Ông cố gắng đưa những triết lý sống hoặc các điển cố trong lịch sử Việt Nam vào những bài tập của Thủy Pháp. Như tại chương trình "Hòa nhịp Việt - Bỉ vì Sức khỏe và Thể thao", một loạt những bài trong môn võ Thủy Pháp với những cái tên như “Linh Quy kiếm”, “Tô Lịch kiếm”, “Hồng Hà ảo ảnh quyền”... giúp bạn bè quốc tế tiếp cận thêm một góc nhìn mới về văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Võ Việt tìm đường về nguồn cội
Ngay khi ra đời, Thủy Pháp đã thu hút sự chú ý của nhiều người Bỉ. Trong năm học 2004-2005, Thủy Pháp đã được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường trung học ở Bỉ trở thành môn võ Việt Nam đầu tiên có mặt trong chương trình giảng dạy võ thuật tại châu Âu. Theo võ sư Huỳnh Chiêu Dương hiện tại ở Bỉ có 6 CLB Thủy Pháp đang hoạt động (một con số đáng kinh ngạc với một môn võ có tuổi đời chỉ hơn 20 năm tại một quốc gia Phương Tây).
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương (thứ 3 từ phải qua) cùng các học trò. Ảnh: NVCC.
Trò chuyện với chúng tôi anh Jean-Philippe Crevecoeur - học trò của võ sư Huỳnh Chiêu Dương chia sẻ về hành trình gắn bó với môn võ Thủy Pháp. Jean-Philippe Crevecoeur đã làm quen với Thủy Pháp từ khi còn là một học sinh phổ thông, môn võ có nguồn gốc từ Việt Nam đã lập tức thu hút chàng trai trẻ người Bỉ. “Môn võ này thu hút tôi vì những đặc điểm thú vị. Tính ôn nhu và những bài học triết lý mà thầy Dương đem đến cùng môn Thủy Pháp đã khiến tôi say mê”. Với hơn hai thập kỷ gắn bó cùng môn võ này Jean-Philippe Crevecoeur cảm nhận trong mỗi một bài tập của Thủy Pháp là một bài học về triết lý cuộc sống mà càng luyện, bản thân anh càng khám phá thêm những điều mới lạ.
"Như bài “Nguyệt Tương côn” mà tôi vừa trình diễn nói về tình yêu với mặt trăng của một người. Sự vô vọng trong nỗ lực với tới mặt trăng khiến anh ta tìm cách trút giận vào ánh trăng trên mặt nước; nhưng điều đó lại khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Với tôi, bài tập này dạy cho người luyện về việc đừng bao giờ để sự tham lam chi phối cuộc sống bản thân", Jean-Philippe Crevecoeur chia sẻ về một trong những bài tập mà bản thân tâm đắc nhất với môn Thủy Pháp.
Cùng về Việt Nam lần này với võ sư Huỳnh Chiêu Dương là chị Đặng Thị Thu Quyên. Cũng đã tập Thủy Pháp hơn 10 năm và hiện tại đang mang thai nhưng chị Quyên vẫn có thể tập và tham gia biểu diễn môn võ này. Với chị Quyên, thật đặc biệt khi tình yêu với võ thuật dân tộc lại bắt nguồn từ một môn võ mà không hề có ở Việt Nam. Môn Thủy Pháp giúp chị Quyên có một góc nhìn mới hoàn toàn về văn hóa Việt Nam mà trước giờ bản thân chị không hề nghĩ đến. Chị Quyên lấy làm tiếc khi thấy có rất ít người Việt Nam biết đến môn võ này.
Chị Đặng Thị Thu Quyên (người Việt Nam tại Bỉ) mong muốn môn thủy Pháp được phổ biến tại Việt Nam.
Ngoài 6 câu lạc bộ, hiện tại Bỉ có 5 trường trung học và một trường đại học đã đưa môn Thủy Pháp vào chương trình giáo dục thể chất. Một số CLB dạy môn võ này cũng được thành lập tại Pháp. Nhưng một điều mà võ sư Huỳnh Chiêu Dương mong muốn hơn là truyền bá môn võ này cho chính người Việt Nam ở trong nước.
Võ sư Huỳnh Chiêu Dương cho biết trong hơn 20 năm qua, con số người tập luyện môn Thủy Pháp tại châu Âu đã lên tới con số hàng nghìn; tuy vậy số lượng có thể giảng dạy môn võ thuật này thì lại không nhiều. Ngay tại Bỉ, theo võ sư Huỳnh Chiêu Dương hiện nay, số lượng huấn luyện viên có thể dạy môn võ thuật này cũng đang thiếu. Điều này cũng xuất phát từ việc để thuần thục môn võ này, đòi hỏi quá trình tập luyện khá công phu. Theo đó, để có thể thành thạo Thủy Pháp, nếu chỉ tập 3 buổi mỗi tuần thì một người cũng cần ít nhất 6 năm.
Biểu diễn thủy Pháp tại phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với chúng tôi, võ sư Huỳnh Chiêu Dương bày tỏ mong muốn được thành lập một liên đoàn riêng cho môn võ Thủy Pháp nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua. Võ sư Huỳnh Chiêu Dương hy vọng sẽ có nhiều hơn những hoạt động như chương trình tên "Hòa nhịp Việt - Bỉ vì Sức khỏe và Thể thao" nhằm quảng bá môn võ này với bạn bè quốc tế nói chung và người dân Việt Nam nói riêng.
Một tin vui với võ sư Huỳnh Chiêu Dương cũng nhưng ai yêu quý môn Thủy Pháp là mới đây Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) đã quyết định công nhận Tổ chức Thủy Pháp Quốc tế là thành viên chính thức. Là Chủ tịch Tổ chức Thủy Pháp Quốc tế, võ sư Huỳnh Chiêu Dương kỳ vọng đây sẽ là bước tiến mới trên hành trình mang đứa con tinh thần của mình đến với nhiều người hơn nữa, đặc biệt là tại Việt Nam.
Minh Thư