Trò chơi dân gian “Cướp Kén” làng Dị Nậu.
Ngày 7/7, thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ VH,TT&DL vừa quyết định đưa Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Doi của người Mường xã Thu Cúc và Lễ hội Cướp kén xã Dị Nậu (nay là xã Thọ Văn) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tết Doi của người Mường xã Thu Cúc được tổ chức vào ngày mùng 7, 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Theo các bậc cao niên ở xứ Mường, xã Thu Cúc, Tết Doi khởi phát từ xa xưa, gắn với câu chuyện huyền thoại về nàng Cúc lặn lội đi tìm giống lúa về cứu đói cho người Mường.
Đây là một hoạt động văn hóa độc đáo gắn với nghề trồng lúa, coi trọng hạt giống, hạt gạo của cư dân bản địa từ xa xưa trên vùng đất Tổ Phú Thọ.
Phong tục cổ truyền này mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện ước mong cao đẹp của người dân các bản Mường về một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Đồng thời, đây cũng là dịp để đồng bào Mường tri ân, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh, tổ tiên, những người đã mang về, gìn giữ và truyền lại hạt giống cho muôn đời sau.
Người dân bản Mường cũng luôn coi Tết Doi là dịp để cùng nhau gieo cấy những hạt giống tốt, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề trồng lúa.
Lễ hội Cướp kén là lễ hội lâu đời, gắn với đời sống xã hội và tập quán sản xuất, sinh hoạt và tín ngưỡng phồn thực của người dân Dị Nậu xưa.
Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 4-6 tháng Giêng.
Theo sử sách còn lưu lại, sau khi thắng trận dẹp loạn quân giặc, Đức Thánh Tản Viên cùng các đại vương trở về thăm đất làng Dị Nậu, người dân đến chúc mừng và xin các Ngài bày phép cho dân làng cách “truyền giống” để sinh con, đẻ cái đông đúc.
Tản Viên sai Oai Vương bày trò “Rước sinh thực khí” (Cướp Kén) cho dân làng thỏa ước mong.
Từ đó mỗi khi đến dịp tế lễ Tản Viên Sơn Thánh và Đại Vương Uy Minh, người dân Dị Nậu lại diễn lễ, tổ chức hội chơi Cướp Kén.
Long Anh - Minh Sơn