Dáng hình của hòa bình

Dáng hình của hòa bình
5 giờ trướcBài gốc
Mẹ thường khơi lại dòng hồi tưởng của mình bằng cụm từ “trước giải phóng”, và “sau giải phóng” cho những mẩu chuyện xảy ra khi thời chinh chiến đã đi qua. Ngày giải phóng, ngày thống nhất như một cột mốc thời gian sừng sững, đã phân định cuộc đời ngoại, cuộc đời mẹ, cùng bao nhiêu kiếp người, bao nhiêu thân phận. Triệu cuộc đời mới được mở ra trong vòng tay toàn vẹn Bắc Nam.
Tôi nằm trên cánh võng nhìn lên mái ngói, miên man xuôi theo dòng sông ký ức mà mẹ là người chèo con thuyền thời gian, chầm chậm trôi giữa đôi bờ quên nhớ. Mẹ kể về thời kháng chiến chống Mỹ, khi quân địch thả bom ồ ạt xuống quê hương, cả nhà ngoại tôi gánh gồng đi tản cư. Sau lưng làng tôi là bạt ngàn những dải rừng xanh thẫm, nơi thuở ấy là vùng giao tranh ác liệt giữa ta và địch.
Máy bay Mỹ rải bom B-52 xuống những xóm làng soi bóng bên sông, những vạt rừng bốn mùa vi vút gió. Quân địch tàn bạo mở nhiều cuộc càn quét vào làng. Máy bay khuấy đảo bốn bề, những quả bom dội xuống, xoáy cát xoáy đất thành lòng chảo lõm sâu. Cánh rừng sau làng tan tác ngổn ngang, sõng soài bật gốc, cỏ cây trơ trọi khét mùi bom đạn.
Nhà ngoại tôi cùng những gia đình trong làng vơ vội gạo, bánh, thức ăn đặt hai bên đòn gánh, bước thấp bước cao tản cư đến vùng an toàn. Bà ngoại tôi lúc ấy đang ở cữ do mới sinh mẹ tôi được một tháng, tay chân còn yếu, vẫn phải gắng gượng cùng chồng con vượt mấy vạt rừng thẳm, đường xa thông thốc gió cát giữa rình rập đạn bom.
Ông ngoại tôi gánh theo lương thực, bà ngoại vừa chạy giặc vừa cho con bú. Sợ lạc mất nhau giữa cơn biến động, cả nhà ngoại nắm tay dắt díu nhau đi. Các cậu tôi thở dốc chạy theo ông bà ngoại, cậu Hai, cậu Tư phải luân phiên cõng cậu Sáu, cậu Bảy còn nhỏ hay đuối sức dọc đường. Mẹ tôi thứ Chín, lúc ấy còn đỏ hỏn nằm ngoan trong vòng tay của ngoại. Lần đầu trong đời, mẹ tôi chạy giặc, là khi chỉ mới được một tháng tuổi.
Thỉnh thoảng nghe tiếng bom dội vẳng xa phía làng, mẹ giật mình khóc ré lên. Những đôi chân đã thấm mệt nhưng ruột gan nóng bừng, không cần lên tiếng cả nhà ngầm hiểu nhau phải đôn đáo chạy nhanh hơn nữa. Cậu tôi dẫm trúng chi chít gai xương rồng, đau nhức nhối cả lòng bàn chân nhưng phải giấu nước mắt cõng em chạy tiếp.
Đến vùng tản cư khi tứ chi, thân thể rã rời tưởng chừng chẳng còn thuộc về mình, mồ hôi túa ra như thác đổ, nhưng không gì lớn lao hơn niềm hạnh phúc cả nhà vẫn còn đủ mặt. Bà con ở vùng tản cư dùng bạt dựng tạm những căn chòi nhỏ cho dân làng tôi ở, đùm bọc nhau qua thời loạn lạc.
Cậu của mẹ tôi có hai người con trai đều đi lính, tháng năm mỏi mòn chờ đợi hai con trở về, để rồi bàng hoàng nhận được lần lượt những tờ giấy báo tử. Suy sụp đến mức chẳng còn tha thiết điều gì, ông sa vào men rượu từ độ ấy đến cuối đời.
Chiến tranh tàn khốc có những điều chẳng thể nói hết.
Sau giải phóng, người làng tôi cùng dựng lại nhà, be bờ đắp đất đồng ruộng, ao hồ, dọn hết tan hoang dệt lại những vạt rừng lộng gió. Bao giờ khi kết thúc một câu chuyện, mẹ cũng chốt lại bằng câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do đâu, các con à!”. Những lời mẹ kể dần ngấm vào trí nhớ chị em tôi, tựa những cơn gió thổi từ xưa xa dắt tôi về một thời khói lửa.
Tôi mang theo bao câu chuyện của mẹ, mang theo những mường tượng về dòng sông đỏ máu, vạt rừng hoang tàn, nấm mộ đắp giả, căn hầm bí mật, nước mắt phân ly, nụ cười đoàn tụ,… làm một cánh thiên di tự do sải cánh giữa bầu trời hòa bình bát ngát. Ngày trở về đứng trước cánh rừng mênh mông, thấp thoáng những ô lô cốt, tôi nghe trong miền gió thổi như có tiếng vọng của cha ông, anh hùng liệt sĩ, tiếng vọng từ thẳm sâu cội nguồn.
Trở về, nhận ra dáng hình của hòa bình trong tôi là những đêm quê nằm nghe mẹ kể chuyện xưa, là bờ lưng mẹ nghiêng nghiêng chải tóc giữa tiếng chim mở hội trên mái nhà, là bông hoa dại cứ hồn nhiên nở, lọn khói lam vấn vít rặng tre xanh… Bao nhỏ bé, thân thuộc cứ ngỡ sẽ không bao giờ mất đi mà thật sự vô giá.
TRẦN VĂN THIÊN
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202505/dang-hinh-cua-hoa-binh-a7005bd/