Trong không khí hào hùng của đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chương trình Kính Đa Chiều trên kênh VTV9 mang đến chủ đề về Nữ biệt động Sài Gòn qua cuộc trò chuyện cùng khách mời đặc biệt – bà Nguyễn Ngọc Huệ, một nữ biệt động Sài Gòn năm xưa.
Với chất giọng bình dị, mộc mạc của người Nam Bộ, bà Nguyễn Ngọc Huệ “lật lại” những trang ký ức tự hào được “viết” bằng lòng dũng cảm.
Dù hàng chục năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Ngọc Huệ vẫn nhớ như in ngày 1/10/1964, ngày bà đi theo con đường cách mạng, đảm nhiệm vai trò giao liên. Năm ấy, bà Huệ vừa tròn 16 tuổi.
Nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Ngọc Huệ trong chương trình Kính Đa Chiều trên VTV9
Thời gian đầu, bà Huệ được một thanh niên giao liên khác chở đến gặp những chỉ huy quan trọng của biệt động Sài Gòn như Thiếu tướng Hải Phụng, Hai Trí, Tư Tăng,…
Mỗi lần đưa thư, bà Huệ thường cuộn bức thư bằng ngón tay út rồi khéo léo giấu trong lai quần áo. Cứ thế, bà Huệ với giỏ cà, bí như bao người đi chợ bình thường khác nhưng thật ra lại đang âm thầm chuyển tài liệu quan trọng cho lực lượng cách mạng.
Càng về sau, nhiệm vụ càng nguy hiểm. Năm Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Ngọc Huệ bắt đầu tham gia vận chuyển vũ khí. Có lần bà chở cả chục khẩu súng, lần khác có cả các loại thuốc nổ TNT, C4 cực mạnh. Các vũ khí được bà Huệ lót rơm ở dưới, phía trên chất đầy cà chua để ngụy trang, rồi lẫn vào dòng người giữa ban ngày, nhờ xe bò chở ra ngoài cho lực lượng cách mạng.
Hết vận chuyển vũ khí, bà Nguyễn Ngọc Huệ lại vận chuyển đạn. Để đánh lừa địch, bà Huệ nhờ người đóng một bộ ván gỗ và giấu đạn vào bên trong. Bà Huệ còn cẩn thận chèn từng lớp gạo đến khi đạn không còn kêu lách cách.
Bà Nguyễn Ngọc Huệ kể chuyện giấu đạn vào tấm ván, nhờ địch đẩy lên xe vận chuyển
Hôm bà Huệ vận chuyển đạn gần đến nơi thì bất ngờ gặp nhóm lính đang đi tuần tra. Khi bị hỏi, bà Huệ nhanh trí giả vờ gửi bộ ván lên nhà ngoại vì sợ bom nổ mất bộ ván đẹp. Bằng sự duyên dáng, bà Huệ đã vượt qua chốt chặn an ninh. Thậm chí bà còn được chính mấy người lính giúp đẩy bộ ván lên xe lam.
Bà Nguyễn Ngọc Huệ kể lại: “Tôi nói bộ ván đẹp vậy mà để trong nhà sợ bom nổ hư nên kêu xe kéo vô nhà ngoại gửi. Nhờ mấy anh đưa qua xe giùm tôi”. Lính tuần tra nhiệt tình trả lời rằng: “Tụi bây sao đứng đó, người đẹp người ta nhờ, phụ đi”. Được chính những người lính giúp đẩy bộ ván lên xe lam, bà Huệ cảm ơn rồi nhanh chóng nhìn sang người đồng đội, vờ đưa tiền và bảo ông chở bộ ván về nhà ngoại.
Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước “thay da đổi thịt” nhưng những câu chuyện như của bà Nguyễn Ngọc Huệ - một trong những nữ biệt động Sài Gòn năm xưa là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự kiên trung của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Hoài Giang