Đằng sau bước đi thận trọng của Trung Quốc khi trả đũa thuế quan Mỹ

Đằng sau bước đi thận trọng của Trung Quốc khi trả đũa thuế quan Mỹ
6 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty Images
Ngày 4/2, sắc lệnh tăng thuế quan 10% với nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức có hiệu lực. Chỉ vài phút sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế quan với khoảng 80 mặt hàng Mỹ từ ngày 10/2, đồng thời mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào nền tảng tìm kiếm Google của Mỹ, siết kiểm soát xuất khẩu với một số vật liệu thô quan trọng và đưa 2 công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”.
Giới phân tích nhận định động thái “ăn miếng trả miếng” này cho thấy cách tiếp cận thận trọng hơn của Bắc Kinh so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Hành động trả đũa nhanh chóng nhưng được đánh giá là có sự tính toán cho thấy rằng Bắc Kinh đã rút ra bài học từ cuộc chiến thương mại đầu tiên với Mỹ.
Khi đó, Trung Quốc trả đũa với mức thuế quan tương đương hoặc gần bằng mức thuế quan mà Mỹ áp đặt. Còn lần này, Bắc Kinh chỉ áp thuế quan với 14 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - con số chỉ bằng một phần nhỏ so với mục tiêu của phía Mỹ - đồng thời thực hiện thêm một số biện pháp khác để phát tín hiệu rằng mình có thể hành động nhằm vào doanh nghiệp Mỹ nếu cần thiết.
Theo hãng tin Bloomberg, sự thay đổi này phản ánh hai thực tế. Một là Trung Quốc đã phần nào thành công trong việc đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu kể từ nhiệm kỳ trước của ông Trump. Hai là tình hình kinh tế bấp bênh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc thời gian qua phải dựa vào hoạt động xuất khẩu để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát gia tăng ở trong nước.
“Trung Quốc đang bị kìm kẹp bởi họ có nhiều thứ để mất hơn do sự mất cân bằng thương mại quá lớn với Mỹ”, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tài chính Macquarie Group Ltd., nhận xét. “Một cuộc chiến thuế quan toàn diện sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phản ứng với thuế quan Mỹ chủ yếu thông qua các biện pháp hỗ trợ trong nước”.
Động thái thận trọng của Bắc Kinh đã giúp thị trường ít biến động mạnh so với dự báo của các nhà phân tích sau khi bị ảnh hưởng nặng nề vào tuần trước bởi những quyết định thuế quan của ông Trump.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông phục hồi và tăng 3,5% trong phiên giao dịch ngày 4/2. Mở cửa phiên đầu tiên sau Tết Nguyên đán ngày 5/2, chỉ số CSI300 của chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhưng sau đó quay đầu giảm. Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số này giảm 0,27%.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận trước khi thuế quan trả đũa của Bắc Kinh có hiệu lực hay không. Đầu tuần này, ông Trump cho biết ông muốn có thỏa thuận với Trung Quốc.
Vào chiều ngày 4/2, Thư ký Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm có cuộc điện đàm. “Tổng thống sẽ không để Trung Quốc tiếp tục cung cấp chất fentanyl gây chết người vào đất nước chúng ta. Đó là lý do cho quyết định thuế quan này", bà Leavitt nói.
Cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo sẽ cho thấy cái nhìn đầu tiên về những ưu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ này. Trong các phát biểu về Trung Quốc thời gian qua, ông Trump có cả những tuyên bố cứng rắn và cả những gợi ý về một thỏa thuận song phương tiềm năng.
Thế giới đang hướng sự quan tâm tới cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các nhà phân tích, ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu đưa quan hệ thương mại với các đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc, trở nên cân bằng hơn.
Sau khi nhậm chức vào cuối tháng trước, ông Trump đã yêu cầu đánh giá lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc được ký vào năm 2020 trong nhiệm kỳ trước của ông. Động thái này là tín hiệu cho thấy đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần này có thể kéo dài nhiều tháng.
Tuy nhiên, ông Trump cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine và đẩy nhanh thương vụ bán TikTok tại Mỹ cho một công ty Mỹ.
Ngọc Trang
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/dang-sau-buoc-di-than-trong-cua-trung-quoc-khi-tra-dua-thue-quan-my.htm