Đánh đố với tên ca khúc

Đánh đố với tên ca khúc
4 giờ trướcBài gốc
Trước năm 2021, giới nghệ sĩ rộ lên hai “mốt” đặt tên ca khúc. “Mốt” đầu tiên là kiểu viết tắt như "DML" (Duyên mình lỡ), "ADODDA" (Anh đang ở đâu đấy anh), "GVS" (Giả vờ say), "ESRAXLED" (Em sai rồi anh xin lỗi em đi), … Tên viết tắt sẽ được “nhá hàng” trước khi sản phẩm âm nhạc chính thức ra mắt cùng tên gọi đầy đủ. Cách làm này khiến người hâm mộ tha hồ đoán già, đoán non tên ca khúc, tạo sự tò mò, chờ đợi ngày tác phẩm lên sóng.
Sau “mốt” viết tắt lại rộ lên “mốt” đặt tên bài hát dài như một dòng sông. Đi đầu trong xu hướng này là Bích Phương với loạt ca khúc có tên dài loằng ngoằng như “Em bỏ hút thuốc chưa - người yêu cũ nhắn tin hỏi nhưng Bích Phương không muốn trả lời”, “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau”… Ngoài ra còn có Nguyễn Trần Trung Quân với “Anh cần thời gian để trái tim mau lành lại”, Phan Ngân và Hải Sâm với “Em không muốn mình cao thêm tí nào nữa đâu nhé”.
Trần Ngọc Duy đánh đố khán giả bằng ca khúc “Ngày thứ CCC mất em”.
Bây giờ, nếu muốn tỏ ra thời thượng và chất chơi thì phải là kiểu đặt tên chơi chữ. Sự thành công vang dội vượt ra ngoài biên giới của ca khúc “See tình” (nhóm DTAP sáng tác, ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện) đã mở đầu cho trào lưu chơi chữ nửa Anh nửa Việt. “See” trong tiếng Anh có nghĩa là nhìn thấy. Cách phát âm cũng giống như từ “si” trong tiếng Việt. Thành ra cái tên “See tình” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “si tình”, lột tả sự si mê, đắm đuối của cô gái trong tình yêu. Nghĩa thứ hai là “nhìn thấy tình yêu”, hay hiểu thoáng hơn là “yêu từ cái nhìn đầu tiên”, điều này cũng phù hợp với nội dung ca khúc.
Năm ngoái, ca sĩ Soobin tung MV “Tự Yours”. Khán giả có thể đọc thành “Tự do” hoặc hiểu theo nghĩa “tự là chính bạn, của bạn” bởi thông điệp bài hát hướng đến là sự vẫy vùng của tuổi trẻ. Mới đây, ca sĩ Amee ra mắt đĩa mở rộng với cái tên “Mộng Mee”. Trong đó, đáng chú ý có bài hát “Mộng Yu”. Đây là cách chơi chữ để hướng theo hai nghĩa: mộng du hoặc mơ mộng về anh. Nhạc sĩ, ca sĩ Grey D sở hữu ca khúc “Nhạt fine”, đọc là “Nhạt phai”. Erik có “Nuông chìll” - đọc là “Nuông chiều”.
Ca khúc “Mộng Yu” do ca sĩ Amee thể hiện.
Ngoài kiểu chơi chữ đồng âm nửa Tây nửa Ta thì dạng chơi chữ theo phương ngữ vùng miền hoặc cố tình viết sai chính tả, dùng từ lóng, nói lái được áp dụng khá nhiều. Làm mưa làm gió một thời có Nguyễn Trọng Tài với bài hát “Hongkong1”. Nhiều người mới nhìn qua cái tên, cứ tưởng đây là bài hát viết về Hồng Kông. Nhưng không, nó chỉ là một bản tình khúc nói về sự mất mát khi tình yêu tan vỡ. Tác giả giải thích “Hongkong1” là kiểu viết không dấu và ký tự hóa cụm từ “Hổng còn gì”.
Cũng tận dụng phương ngữ, rapper Phúc Du có bài “Anh mời mẹ nghỉ hiu”. Cố tình viết sai chính tả có “Shay nắnggg” (Say nắng) của Amee. Grey D thì có “Đưa em về nhaà” (Đưa em về nhà) hay “vaicaunoicokhiennguoithaydoi” (Vài câu nói có khiến người thay đổi) cố tình viết không dấu và liền một lèo cho mọi người phải căng mắt ra mới đọc được.
Đau đầu nhất là những màn đánh đố bằng ký tự lạ. Công chúng chưa hiểu đĩa mở rộng mang tên “LO2E DOC” của Trần Ngọc Duy có nghĩa là gì thì anh tiếp tục gây rối não bằng ca khúc mang tên “Ngày thứ CCC mất em”. Ca sĩ W/w (Cao Nguyên) trở thành “quán quân” của trò “mò chữ, đoán nghĩa” khi tung ra loạt nhạc phẩm chứa toàn số và ký tự như “id T41104”, “id 07201”… Dễ đoán hơn một chút, đĩa mở rộng của ca sĩ Erik có tên “
Phải thừa nhận rằng tên ca khúc độc đáo, lạ lẫm ngay lập tức tạo được sự chú ý với khán giả. Nó cũng cho thấy sự gần gũi, tinh nghịch của các sao nhà ta. Nhưng vì lạm dụng, số ca khúc có tên gọi rối rắm khó hiểu hay thô thiển, dễ gây hiểu lầm trở nên áp đảo so với những tên gọi sáng tạo, nêu bật tinh thần ca khúc. Ca sĩ Amee dù được khen với “Mộng Yu” nhưng tên đĩa mở rộng “Mộng Mee” khiến khán giả loay hoay không biết đọc thế nào mới đúng. Vậy là họ chia nhau hai phe để cãi: người bảo “Mộng Mê”, người khăng khăng là “Mộng Mi”. Nhưng xem ra hai từ này đều khá tối nghĩa.
Lợi dụng cách nói lái trong tiếng Việt, nhiều nhạc sĩ không ngại ngần đặt cho đứa con tinh thần của mình những cái tên cực sốc nhưng kém duyên như “Thu dẩm”, “Nắng cực”, “Như cái lò” hay “Như lời đồn”, “Anh iu em vailone”... Tên ca khúc như thế dễ gây phản ứng ngược bởi bài hát có hay đến mấy nhưng cái tên kém duyên, thiếu văn hóa khiến khán giả văn minh tức khắc quay lưng.
Nhiều nhạc sĩ trẻ thừa nhận mình biết cái tên là một phần rất quan trọng đóng góp vào sự hoàn thiện, toàn vẹn thẩm mỹ của bài hát. Tên càng dễ nhớ và mang cái tứ sâu sắc, giàu chất văn học thì càng tốt. Nhưng biết là một chuyện còn thực hành được hay không lại là chuyện khác. Vắt óc suy nghĩ một cái tên hay và ngắn gọn là điều không dễ. Và vì ngắn gọn, họ sợ nó sẽ trùng lặp và chìm nghỉm giữa rừng ca khúc đa dạng. Còn giàu tính ước lệ, văn học thì họ sợ sến sẩm. Với họ, giữa thị trường âm nhạc khốc liệt, tên ca khúc không đơn thuần chỉ là tóm tắt nội dung bài hát, hay thể hiện cảm xúc mà còn phải khoác cho nó lớp áo nổi bật, gây tò mò cho khán giả trong thời buổi hiệu ứng truyền thông lên ngôi. Và không gì hiệu quả hơn là đặt tên theo thị hiếu giới trẻ - đối tượng khán giả chính. Ngôn ngữ chat, câu từ chất đời, xu hướng đang lên của giới trẻ được họ tận dụng triệt để.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giới trẻ tạo ra ngôn ngữ chat để thể hiện một cách vui nhộn những thông tin riêng tư, đồng thời muốn khẳng định cá tính. Sáng tạo ngôn ngữ càng quái dị, càng lạ, càng thể hiện đẳng cấp. Điều đó sẽ dẫn tới thứ ngôn ngữ chat lạ hóa tiếng Việt theo cách dùng xen tiếng nước ngoài; dùng phương ngữ tùy tiện; dùng những ký tự lạ, biến đổi tùy tiện con chữ; thay đổi, rút gọn tùy tiện âm đầu, thanh điệu, nguyên âm, âm cuối trong một vần. Tuy nhiên sẽ chẳng có gì khiến xã hội lo ngại nếu dạng ngôn ngữ này chỉ dừng lại ở giao tiếp trên không gian ảo như một dạng giải trí, được sử dụng đúng lúc đúng nơi. Việc sử dụng ngôn ngữ teen vô tội vạ trong các sản phẩm văn hóa như âm nhạc rất dễ khiến nhận thức của giới trẻ lệch lạc.
Không ít nhạc sĩ cố đặt tên cho thật “kêu” chứ họ chẳng để tâm rằng cái tên ấy chẳng liên quan mấy đến nội dung bài hát, không truyền tải được thông điệp gì. Do đó không phải cứ ra tên độc lạ là ca khúc sẽ trở thành bản hit. Sự chết yểu của “Shhhhh…”, “Đưa em về nhaà”, “Như cái lò”, “Anh iu em vailone”… là minh chứng. Đúng như nhận định của nhạc sĩ Đình Phúc: "Có bài tên rất dài, có những bài tên rất độc lạ dễ gây chú ý nhưng khi nghe cả bài hát không nổi bật thì người ta sẽ nhanh chóng quên và chẳng đọng lại điều gì. Để một bài hát tồn tại và sống mãi trong lòng công chúng, điều tiên quyết vẫn là âm nhạc”.
Theo nhạc sĩ Dương Cầm, kiểu đặt tên rối rắm, gây sốc rất tai hại vì nó làm mất đi sự đẹp đẽ, trong sáng của âm nhạc lẫn sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đặt câu hỏi: “Tại sao phải cố tình đặt những cái tên như thế để truyền thông gây tò mò và tạo trào lưu? Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ, bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ sách này?”.
Phan Thi Uyên
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/danh-do-voi-ten-ca-khuc-i744429/