Đánh giá toàn diện áp lực nợ xấu; ứng phó hiệu quả với nguy cơ thất nghiệp

Đánh giá toàn diện áp lực nợ xấu; ứng phó hiệu quả với nguy cơ thất nghiệp
8 giờ trướcBài gốc
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.
Sáng 5/5, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi khái quát, những tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 không đạt kịch bản đề ra, gây áp lực không nhỏ lên công tác điều hành vĩ mô trong những quý còn lại của năm 2025 nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên.
Tăng trưởng tiêu dùng trong nước còn yếu, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa tạo được bước đột phá đáng kể về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của nền kinh tế như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; bình quân một tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - ông Mãi nêu nhận xét.
Lo ngại giá vàng
Với thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng, Cơ quan thẩm tra cho rằng, còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế. Quản lý thị trường vàng vẫn còn tồn tại những bất cập, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao. Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, Dầu Khí Toàn Cầu, NCBNeo, Vikki Bank, Sài Gòn ) ở mức 1,88%, cao hơn mức 1,58% tại thời điểm cuối năm 2024.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Lưu ý tiếp theo từ Ủy ban thẩm tra là tỷ giá chịu áp lực tăng do yếu tố quốc tế, thể hiện rõ qua xu hướng tăng của tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại. Thị trường chứng khoán chưa khởi sắc như mong đợi, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.
Tình hình giá vàng trong nước đang trải qua những biến động khó lường, với những đợt tăng phi mã lên đỉnh lịch sử rồi lại sụt giảm nhanh chóng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có thời điểm ở mức rất cao, tạo ra không ít lo ngại về những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Sự bất ổn này không chỉ gây ra rủi ro lớn cho người dân nắm giữ vàng mà còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính và tâm lý nhà đầu tư. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm. Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn, với hơn 130 nghìn tỷ đồng đến hạn trong năm 2025, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn.
Ủng hộ đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án
Với thời gian còn lại của năm nay, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh cần có giải pháp đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy động lực tăng trưởng mới. Trong đó, lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (có giải pháp giải quyết thủ tục dự án, cơ chế để lĩnh vực tư nhân tham gia các dự án đầu tư công), triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch.
Cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng cần sớm có những chính sách ứng phó hiệu quả với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng rộng rãi, cùng với những tác động từ chiến tranh thương mại, cạnh tranh chiến lược và việc tinh gọn bộ máy hành chính.
Việc chủ động tạo điều kiện để lực lượng lao động dôi dư tìm được việc làm mới là rất quan trọng, nhằm tránh nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản và tích lũy nhiều kinh nghiệm - Ủy ban thẩm tra nhấn mạnh.
Ở kỳ họp này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết nghị: "Cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc. Giao Chính phủ tổ chức, hướng dẫn và quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo Nghị quyết số 170/2024/QH15".
Về mặt chủ trương Ủy ban Kinh tế và Tài chính ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến và có hồ sơ chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định - báo cáo thẩm tra nêu.
Nguyễn Lê
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/danh-gia-toan-dien-ap-luc-no-xau-ung-pho-hieu-qua-voi-nguy-co-that-nghiep-d277723.html