Đánh thuế 20% tiền lãi chứng khoán là quá cao, lo ngại 'đẩy' nhà đầu tư về lướt sóng

Đánh thuế 20% tiền lãi chứng khoán là quá cao, lo ngại 'đẩy' nhà đầu tư về lướt sóng
10 giờ trướcBài gốc
Tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi, hoàn thiện quy định về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (bao gồm cả chứng khoán phái sinh).
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.
Trong đó, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng vốn thì thuế thu nhập cá nhân được xác định bằng giá bán nhân với thuế suất 2%.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến (Ảnh: Chụp màn hình).
Với chuyển nhượng chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đề xuất thuế thu nhập cá nhân được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm).
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.
Đánh thuế 20% tiền lãi chứng khoán là quá cao
Đề xuất này được các nhà đầu tư chứng khoán tham gia thảo luận sôi nổi tại các diễn đàn. Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Hồng Hạnh (nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội) nói rằng, về nguyên tắc, có lãi thì nộp thuế là hợp lý. Nhưng nếu tính trên phần lãi ròng thì cần hướng dẫn rõ chi phí nào được tính, được trừ bao nhiêu, có giới hạn hay không?
"Ví dụ như lãi vay margin, phí tư vấn đầu tư, chi phí đào tạo… có được coi là chi phí hợp lý hay không?", chị Hạnh băn khoăn.
Theo chị Hạnh, dù các công ty chứng khoán đã cung cấp đầy đủ thông tin về giá mua - bán, phí giao dịch và thuế hiện hành trong tài khoản, nhưng nhiều loại chi phí khác phát sinh trong quá trình đầu tư lại chưa được xác lập là chi phí hợp lý để trừ thuế.
"Ví dụ tôi trả lãi vay margin hàng tháng, hoặc mua báo cáo phân tích từ bên ngoài, thì hiện chưa rõ những khoản đó có được chấp nhận khi xác định thu nhập chịu thuế không. Nếu không quy định rõ, người đầu tư càng nghiêm túc thì càng bị bất lợi về thuế", chị nói.
Chị Hạnh đề xuất cần có cơ chế chuẩn hóa danh mục chi phí hợp lệ, kèm theo hướng dẫn kê khai hoặc trích xuất dữ liệu minh bạch từ công ty chứng khoán để nhà đầu tư yên tâm.
Bộ Tài chính đề xuất thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% (Ảnh: Hữu Thắng).
Còn anh Trần Long - một nhà đầu tư cá nhân hơn 8 năm kinh nghiệm thẳng thắn bình luận: "Thu 20% trên phần lãi hằng năm là quá cao, thậm chí là không tưởng với thị trường chứng khoán Việt Nam".
Theo anh, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển, tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo và phần lớn trong số đó là những người tự nghiên cứu, tự ra quyết định mà không có bộ phận tư vấn chuyên nghiệp như ở các quỹ đầu tư.
"Không thể so sánh cá nhân với tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam chấp nhận rủi ro cao hơn nhiều, thanh khoản thấp, thông tin thiếu minh bạch và phải đóng phí giao dịch cao hơn cả so với các thị trường phát triển. Nay nếu còn phải nộp 20% trên lợi nhuận, trong khi khoản lời đó chưa chắc đã bền vững thì chẳng khác gì triệt tiêu động lực đầu tư dài hạn," anh Long phân tích.
Anh cho rằng nếu áp dụng thuế suất cao, thị trường sẽ không thu được thuế từ thực chất, mà sẽ đẩy nhà đầu tư vào tâm lý chốt lời ngắn hạn, né thuế, thậm chí tìm cách rút khỏi kênh chứng khoán.
"Tôi không phản đối việc đánh thuế thu nhập, nhưng cần đánh đúng và công bằng. Không thể vừa buộc kê khai chi tiết từng đồng chi phí, vừa áp một mức thuế cao và mặc định là nhà đầu tư đủ điều kiện tính toán. Với hệ thống hiện nay, đó là điều phi thực tế", anh Long nói thêm.
Có thực sự hợp lý cho nhà đầu tư?
Trước đây, Luật Thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 (có hiệu lực từ 1/1/2009) quy định 2 phương pháp thu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán.
Cụ thể, tính theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán - giá mua và các chi phí liên quan), nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.
Trường hợp cá nhân áp dụng phương pháp thu thuế theo thuế suất 20%, có kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số thuế đã tạm nộp trong năm.
Đến cuối năm nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập và có đầy đủ chứng từ chứng minh giá vốn và các chi phí liên quan thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Để minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách về thủ tục hành chính, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015) quy định thống nhất một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Trong quá trình thực hiện, có ý kiến cho rằng việc thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp, cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính chỉ ra tại một số nước, hầu hết loại thu nhập từ vốn đều phải nộp thuế. Tuy nhiên cách thức và phương thức thu thuế của các nước rất khác nhau. Có quốc gia thu theo tỉ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niêm yết.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, việc đánh thuế trên thu nhập là một cách tiếp cận hợp lý, không có gì quá tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở mức thuế suất.
"Con số 20% là khá cao và chưa thật sự phù hợp với bối cảnh hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Minh nói và cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn non trẻ, quy mô nhỏ và việc áp thuế quá cao trong giai đoạn này có thể khiến nhà đầu tư e dè hơn khi lựa chọn kênh đầu tư.
"Đánh thuế là để tạo sự công bằng giữa các kênh đầu tư, nhưng cũng phải đảm bảo khả năng cạnh tranh của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư luôn cân nhắc giữa chi phí và lợi nhuận. Nếu chi phí (tức là thuế) quá cao thì rõ ràng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thị trường vốn", ông Minh nói thêm.
Dù mới chỉ là dự thảo, song ông Minh nói rằng, đề xuất này đã có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. "Ít nhất, họ sẽ bắt đầu dè chừng, cân nhắc lại các quyết định đầu tư của mình. Bên cạnh đó, cũng có khả năng xuất hiện hiệu ứng lan truyền – nhà đầu tư sẽ đứng ngoài thị trường để nghe ngóng, chờ đợi thông tin chính thức rồi mới hành động tiếp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong ngắn hạn", ông Minh đánh giá.
Ông Minh cho rằng, mục tiêu hiện nay là khuyến khích người dân chuyển từ kênh đầu tư truyền thống (vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm...) sang đầu tư vào thị trường vốn. Nếu vừa kêu gọi đầu tư, vừa đánh thuế quá cao, thì rất khó tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc thiết kế chính sách thuế nên theo hướng khuyến khích đầu tư dài hạn. Cụ thể, thuế suất nên được điều chỉnh theo thời gian nắm giữ cổ phiếu.
"Ví dụ, nếu nhà đầu tư giữ cổ phiếu dưới 1 năm thì áp mức thuế cao hơn, nhưng nếu giữ trên 2-3 năm thì thuế nên giảm xuống. Cách làm này cũng tương tự như dự thảo đánh thuế với bất động sản. Nếu chỉ áp một mức thuế cố định cho mọi trường hợp thì sẽ không khuyến khích được đầu tư dài hạn, thậm chí có thể tiếp tục thúc đẩy đầu cơ ngắn hạn", ông Minh phân tích.
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/danh-thue-20-tien-lai-chung-khoan-la-qua-cao-lo-ngai-day-nha-dau-tu-ve-luot-song-204250722123338497.htm