Đạo luật này được Nghị viện châu Âu đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo vệ các giá trị cốt lõi. Liên minh châu Âu (EU) được xem là khu vực tiên phong trong nỗ lực thiết lập nền tảng pháp lý quản lý những lĩnh vực công nghệ mới nổi. EU cũng bày tỏ ủng hộ chính phủ các nước thành viên có thêm những biện pháp quản lý hoặc tự xem xét, điều chỉnh các biện pháp quản lý với doanh nghiệp AI.
Cuối tuần qua, trên nghị trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có bổ sung nội dung về AI. Theo đó, AI được Ban soạn thảo xác định là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Dự thảo luật đưa ra nguyên tắc quản lý và phát triển AI. Mục đích hướng tới là AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo minh bạch, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, cần có nghiên cứu toàn diện về AI, có ý kiến bao gồm cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản, quyền nhân thân đối với dữ liệu; vấn đề tôn trọng quyền tác giả… để xây dựng một đạo luật riêng về AI của Việt Nam. Tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh về AI để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI, đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức, nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo. Trong đó, cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về AI được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ.
Thực ra, trông người ngẫm ta. Thế giới đã có tiền lệ về đạo luật liên quan đến AI, vậy tại sao chúng ta không xây dựng một đạo luật riêng về vấn đề này thay vì chỉ một chương trong Luật Công nghiệp, công nghệ số. Nên làm một luật riêng để AI có thể phát triển tốt và lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình an sinh xã hội... “Theo tôi cần có cơ chế để kiểm soát AI. Bởi lẽ khi có hành lang pháp lý, chúng ta cho phép sử dụng cơ chế thử nghiệm, kiểm soát” - ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nói.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà phát triển là xu hướng tất yếu. Trong sự phát triển ấy, AI được xác định cũng đóng góp rất lớn vào quá trình này. Nên, một đạo luật cho AI để phát huy tối đa những điểm mạnh, hạn chế tối đa những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình đóng góp vào sự phát triển của AI là rất cần thiết.
Hoàng Mai