Nước dừa không chỉ là loại nước giải khát ngày hè mà còn là đồ uống thơm ngon giúp đào thải axit uric hiệu quả. Nước dừa cung cấp khoáng chất cho cơ thể và tăng cường chức năng cho thận. Đây là cách đào thải axit uric tự nhiên và hiệu quả.
Axit uric cao có nên uống nước dừa?
Trong nước dừa có một phần tính chất điện phân tự nhiên giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể và cân bằng chuyển hóa. Bên cạnh đó, nước dừa còn giúp kháng viêm, chống oxy hóa, giảm sự hình thành của axit lactic. Axit lactic ức chế sự bài tiết axit uric của ống thận, từ đó làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận. Do vậy khi uống nước dừa bạn có thể cải thiện được các bất thường trên thận và hệ tiết niệu, giúp tăng đào thải axit uric.
Đồng thời nước dừa còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Cơ thể bạn sẽ đào thải axit uric thông qua đường tiết niệu. Hơn nữa, nước dừa còn có một lượng kali đáng kể - một khoáng chất giúp điều chỉnh nồng độ axit uric.
Thực phẩm đào thải axit uric hiệu quả
Cơ chế đào thải axit uric chủ yếu diễn ra qua thận, còn lại được đào thải thông qua hệ tiêu hóa. Các nghiên cứu đã chứng minh việc dùng các thực phẩm giúp hỗ trợ đào thải axit uric kết hợp với thói quen lành mạnh sẽ giúp giảm axit uric tự nhiên không cần dùng thuốc. Những người axit uric cao cần bổ sung những thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày.
Rau xanh và thực phẩm kiềm hóa nước tiểu
Những thực phẩm giàu chất kiềm hóa nước tiểu và rau xanh là môi trường tiềm năng để tăng bài tiết axit uric. Các nghiên cứu cho thấy các thực phẩm giàu kiềm sẽ giúp bảo vệ thận và giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Do vậy, những người axit uric cao nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày các thực phẩm như: dưa chuột, súp lơ, cần tây…
Đào thải axit uric bằng thực phẩm giàu vitamin C
Khi bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, nồng độ axit uric trong máu và cơ thể sẽ tăng bài tiết qua nước tiểu. Một nghiên cứu thực hiện với 1.500 người đã cho thấy nếu bạn bổ sung 500mg vitamin C mỗi ngày sẽ giúp giảm đáng kể lượng axit uric sau 2 tháng. Những thực phẩm giàu vitamin C bạn nên bổ sung là: ớt chuông, dâu tây, kiwi, bưởi, cam, ổi, chanh…
Sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo
Protein có trong sữa có thể ức chế được enzyme giúp sản xuất ra axit uric. Do vậy bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày các sản phẩm sữa tách béo, phô mai ít béo, sữa chua không đường.
Trà xanh giúp hạ axit uric
Trong trà xanh có chứa catechin - chất chống oxy hóa giúp giảm tổng hợp axit uric. Nếu bạn uống từ 1-2 cốc trà xanh mỗi ngày có thể giúp hạ axit uric tự nhiên. Lưu ý, bạn không nên uống trà xanh khi đói vì có thể gây kích ứng dạ dày.
Quả cherry
Cherry được biết đến là loại quả giàu chất dinh dưỡng. Trong cherry có chất chống viêm tự nhiên từ đó giúp giảm nồng độ axit uric. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu ăn từ 10-12 quả cherry mỗi ngày có thể giảm 35% nguy cơ cơn gout cấp.
Uống đủ nước
Do axit uric trong cơ thể đào thải chủ yếu qua thận nên việc uống đủ nước mỗi ngày là rất quan trọng với người axit uric cao. Mỗi ngày bạn nên uống từ 2-3 lít nước để thận có thể lọc và đào thải axit uric tốt hơn.
Theo Sức khỏe và đời sống