Trước đây, khi cha ông qua đời có để lại cho tôi 100m2 đất ở nhưng không có sổ. Nay, tôi muốn làm sổ hồng cho mảnh đất này thì có được không. Nếu được xin hỏi tôi cần chuẩn bị thủ tục gì và đến đâu để làm?
Bạn đọc Huỳnh Khánh (Vĩnh Long)
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Do cha ông của bạn qua đời nhưng không để lại di chúc nên theo Điều 675 và 676 Bộ luật Dân sự, di sản của ông bà sẽ được phân chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản. Những người này sẽ tiến hành thỏa thuận cử ra một người làm đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận (Nghĩa là di sản thừa kế vẫn thuộc về những người thuộc hàng thừa kế nhưng người này sẽ là người đại diện đăng ký và đứng tên trên giấy chứng nhận (có văn bản có công chứng chứng thực hợp pháp của những người còn lại).
Đồng thời, gia đình bạn phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm bộ đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có); giấy tờ pháp lý về nhà đất (như giấy tờ mua bán, tặng cho qua các đời, tờ kê khai nhà đất, sổ mục kê,… các giấy tờ khác theo quy định tại điều 137 Luật đất đai 2024); bản vẽ hiện trạng nhà đất; Giấy tờ nhân thân và giấy tờ chứng minh mình có quyền thừa kế; Các giấy tờ trên cùng với giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất nộp tại UBND quận/huyện (Phòng tài nguyên môi trường) để được xem xét, cấp sổ đỏ lần đầu.
Các trường hợp khác; gia đình bạn có thể tham khảo tại Mục 3 Luật đất đai 2024. Đặc biệt, gia đình cần lưu ý nhà đất của gia đình bạn phải không thuộc các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại điều 151 Luật đất đai 2024 (Ví dụ như: Đất đang có tranh chấp, đang bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án, các trường hợp đất nhận khoán theo quy định,….).
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, trong quá trình thẩm định, xác minh để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì các cán bộ sẽ xác minh các điều kiện như: đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.
Sau khi được cấp sổ đỏ, gia đình bạn cần liên hệ văn phòng công chứng để tiến hành khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản. Sau khi văn bản khai nhận thừa kế được công chứng chứng thực, bạn cần liên hệ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương để cập nhật tên những người thừa kế lên Giấy chứng nhận.
Bạn có thể nên liên hệ Tổ chức hành nghề luật sư, Tổ chức hành nghề công chứng, UBND quận/huyện, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết.
HUỲNH THƠ