Đặt tên phường, xã mới, phải xóa bỏ tư duy cục bộ

Đặt tên phường, xã mới, phải xóa bỏ tư duy cục bộ
8 giờ trướcBài gốc
TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long. Ảnh: Thương Nguyễn
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Xã hội) từng là Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).
Hiện nay, ông đang đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long và Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là người am hiểu sâu sắc và luôn đau đáu với các vấn đề văn hóa, từng không ít lần nghiên cứu, đề xuất đặt tên đường, phố, ông đã vui vẻ nhận lời chia sẻ ý kiến với Báo Hànôịmới khi được hỏi về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã - một trong những chủ đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
- Thưa TS Nguyễn Viết Chức, trong Dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội dự định đặt tên phường, xã mới theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2... Đồng thời tính tới việc sử dụng các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa. Ông cho biết ý kiến về phương án dự kiến này của thành phố?
- Tôi rất vui mừng khi thấy sự quan tâm của Trung ương và thành phố Hà Nội đối với yếu tố văn hóa, lịch sử khi chỉ đạo, định hướng và triển khai xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính nói chung và việc đặt tên đơn vị hành chính mới nói riêng. Đây là điều có ý nghĩa rất lớn và chắc chắn sẽ góp phần làm nên thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.
- Vậy theo ông, việc đặt tên phường, xã mới theo phương án dùng tên quận, huyện cũ kết hợp đánh số có khả thi không?
- Tôi nghĩ rằng đây là định hướng có ý nghĩa tích cực, khi có sự kết hợp giữa cả cũ và mới. Ví dụ như các phường ở quận Thanh Xuân, quận Đống Đa thì đặt tên là Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2 hay Đống Đa 1, Đống Đa 2. Tên mới vừa có cái bao quát chung định hình không gian văn hóa, lịch sử, vừa làm rõ được cái riêng là đơn vị hành chính mới.
Những cái tên ở khu vực nội đô lịch sử, như: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... đều có ý nghĩa to lớn, thật khó có thể bỏ được, hay như tên các huyện cũng vậy, ví dụ Đan Phượng là quê hương của phong trào “Ba đảm đang”... cũng rất cần được duy trì, gọi các xã mới là Đan Phượng 1, Đan Phượng 2, tôi cho là phù hợp.
- Vậy còn phương án lựa chọn đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa để đặt tên, ví dụ quận Hoàn Kiếm có tên phường là Hoàn Kiếm; quận Đống Đa có phường là Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; hay huyện Đông Anh có xã tên Cổ Loa thì sao, thưa ông?
- Cái tên có ý nghĩa rất lớn vì gắn liền với vùng đất, con người và văn hóa, lịch sử. Cái tên còn có tác dụng khơi gợi cảm xúc, niềm tự hào, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân. Vì thế, theo tôi, việc lựa chọn tên cho đơn vị hành chính mới cần xem xét kỹ góc độ văn hóa, lịch sử và ý nghĩa này.
Với mỗi nơi, việc lựa chọn tên như thế nào cần được nghiên cứu, bàn bạc, thảo luận kỹ, đặc biệt cần công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan, khoa học, có tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân... trước khi đi đến quyết định.
Huyện Đông Anh có thể có đơn vị hành chính cấp xã mới được đặt tên là Cổ Loa. Ảnh: Đỗ Minh
- Theo ông, khi đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới, còn phải lưu ý những điều gì để bảo đảm thành công?
- Tôi cho rằng, dù tên mới như thế nào chắc chắn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vì quan điểm mỗi người khác nhau, tư duy, tình cảm cũng không ai giống ai. Điều quan trọng là phải lựa chọn phương án phù hợp nhất, kết hợp với tuyên truyền, vận động để tạo đồng thuận chung. Khi đối diện với lựa chọn, mỗi người cũng nên nghĩ rộng ra. Bởi vì đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “đất nước là quê hương”, chúng ta phải vì cái chung, cần dẹp bớt cái tôi sang một bên và sẵn sàng chia sẻ, hy sinh vì sự phát triển của đất nước.
Để làm được điều ấy, theo tôi, quan trọng nhất là cán bộ địa phương, cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt phải nêu gương xóa bỏ tư duy cục bộ, địa phương để làm gương cho người dân. Tất cả cần nhìn về một hướng, nỗ lực cống hiến hết mình vì sự phát triển đi lên của phường, xã mới cho dù tên mới là gì, có là tên địa phương cũ của mình hay không.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo dự kiến của Trung ương, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với hiện nay. Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỷ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn xuống còn 263 đơn vị hành chính cấp xã, đây cũng là số lượng đơn vị hành chính cần đặt tên.
Hà Vũ
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/dat-ten-phuong-xa-moi-phai-xoa-bo-tu-duy-cuc-bo-697978.html