Dấu chân người lính trở về chiến trường xưa

Dấu chân người lính trở về chiến trường xưa
8 giờ trướcBài gốc
Trong không khí rộn ràng của những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang đón tiếp đoàn CCB Đoàn tàu không số và CCB Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 Rừng Sác. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những người lính đã từng chiến đấu dũng cảm trên các chiến trường khốc liệt nay trở lại nơi họ đã ghi dấu chiến công. Nhìn những mái đầu bạc phơ, bước đi chậm rãi, khó ai ngờ họ chính là những chiến sĩ gan dạ một thời.
Dù thời gian đã qua, nhưng ký ức về những ngày tháng kiên cường bảo vệ Tổ quốc vẫn sống mãi trong tâm trí mỗi người. Họ trở về thăm lại vùng đất mà giờ đây đã khoác lên diện mạo thanh bình, trù phú - nơi từng in dấu một thời hào hùng đầy hoa lửa.
Các CCB tham quan khu Di tích Chiến thắng Chương Thiện.
Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích Chiến thắng Chương Thiện - đây là một trong những khu trù mật khét tiếng nhất của Mỹ - ngụy tại Nam Bộ. Đây là căn cứ quân sự trọng yếu, tập trung hỏa lực mạnh và có hệ thống phòng thủ kiên cố để làm tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ đầu não vùng IV chiến thuật. Trớ trêu thay, chính nơi được coi là “bất khả xâm phạm” này, lại trở thành một trong những thất bại đau đớn nhất của chúng.
Các CCB trầm ngâm trước những kỷ vật chiến tranh được trưng bày: Những chiếc xe tăng M41; những chiếc máy bay ném bom A37, trực thăng UH-1, hay những quả bom nặng hàng tấn chưa kịp thả xuống đồng bào ta... Mỗi hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện, một trang sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
CCB Nguyễn Bá Quang, đứng lặng trước hiện vật chiến tranh, ánh mắt như hòa vào quá khứ. “Mỗi lần nhìn lại những hiện vật chiến tranh, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động vô cùng. Chúng tôi từng tham gia vận chuyển vũ khí, hàng hóa tiếp tế cho đồng đội chiến đấu tại miền Nam. Khi đó, đội tàu không số của chúng tôi đảm nhiệm nhiệm vụ vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Mỗi chuyến hàng đến được nơi này đều phải vượt qua bao hiểm nguy, đối mặt với bom đạn và sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, nhưng các đồng đội đã kiên cường bám trụ, chiến đấu vì biết rằng quê hương đang cần mình. Mỗi lần nhận được tin một chuyến hàng của chúng tôi đã đến được tay đồng đội, là một lần chúng tôi cảm thấy mình đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng chung”, CCB Nguyễn Bá Quang xúc động chia sẻ.
Các CCB tham quan hiện vật lịch sử tại khu Di tích Chiến thắng Chương Thiện, tỉnh Hậu Giang.
Những câu chuyện chiến trường được kể lại về những chuyến vận chuyển đầy nguy hiểm, về những hành trình vượt biển đêm để cập bến những khu vực như Hậu Giang, về tình đồng đội sâu sắc giữa những người lính Đoàn tàu không số và các lực lượng địa phương. Đặc biệt, nhiều CCB không thể quên những lần tiếp tế cho các đơn vị đang chiến đấu tại vùng trù mật Chương Thiện - nơi quân Mỹ, ngụy đã xây dựng hệ thống đồn bót dày đặc nhằm cô lập cách mạng với nhân dân.
Mang theo những cảm xúc sâu lắng từ Khu di tích Chiến thắng Chương Thiện, các CCB tiếp tục hành trình đến Đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm (thị xã Long Mỹ). Quãng đường di chuyển tiếp tục làm sống lại ký ức về những chuyến hành quân, những lần tiếp tế trong lòng các CCB. Chỉ tay về phía những cánh đồng, các CCB kể về những khó khăn khi đưa vũ khí, lương thực đến tận tay đồng đội nơi tiền tuyến. Nơi đây, hình ảnh Bác Hồ như ngọn đuốc soi đường, tiếp thêm nghị lực cho người lính trong những năm tháng gian khổ nhất.
Dọc theo con đường nhựa, khi đoàn đến dâng hương, người dân địa phương nhận ra đoàn khách đặc biệt và chào đón những người lính năm xưa với tấm lòng hiếu khách của người Nam Bộ. Những ly trà nóng được mời, những câu chuyện được kể lại. Tình quân dân chưa bao giờ phai theo năm tháng. Không giấu được xúc động khi nhìn thấy sự đổi thay của vùng đất này, CCB Nguyễn Trọng Bình cho biết: “Tôi không nghĩ sau ngần ấy năm, Hậu Giang giờ đã phát triển mạnh mẽ đến thế. Vùng đất này từng chứng kiến nhiều hy sinh của các đồng đội. Nhìn thấy cuộc sống người dân ấm no hôm nay, những nỗ lực vận chuyển vũ khí, hàng hóa ngày ấy đã không uổng phí. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người lính chúng tôi”.
Các CCB thăm lại chiến trường xưa.
Rời đền thờ Bác Hồ với lòng thành kính và biết ơn, đoàn tiếp tục hành trình đến Khu Di tích Chiến thắng Tầm Vu - nơi ghi dấu một trong những chiến công hiển hách nhất của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Tại đây, bốn trận Tầm Vu nổi tiếng đã đi vào lịch sử dân tộc như minh chứng cho sức mạnh và trí tuệ Việt Nam.
Kết thúc chuyến hành trình qua các địa danh lịch sử, các CCB trở lại Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang. Trong phòng khách, các thế hệ cách nhau nửa thế kỷ ngồi bên nhau với những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thật ấm, không chỉ trao đổi về quá khứ hào hùng mà còn chia sẻ về hiện tại, về những thách thức mới mà người lính hôm nay phải đối mặt.
Các CCB tham quan Khu di tích lịch sử Tầm Vu, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Cuộc hội ngộ giữa những người lính năm xưa với mảnh đất phương Nam là sự khẳng định sống động cho sức mạnh của tình đồng đội, tình quân dân và khát vọng hòa bình bền vững. Hành trình qua các địa danh lịch sử không chỉ là cuộc hành hương về với ký ức, mà còn là dịp để thế hệ đi trước trao lại cho thế hệ trẻ những bài học về lòng yêu nước, về tinh thần dũng cảm, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Bài, ảnh: TRUNG NGHĨA
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/dau-chan-nguoi-linh-tro-ve-chien-truong-xua-824766