Đẩy mạnh phân cấp phân quyền và phân trách nhiệm

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền và phân trách nhiệm
3 giờ trướcBài gốc
Theo đại diện Chính phủ, việc sửa đổi lần này quán triệt chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới tổ chức bộ máy hành chính theo hướng "Tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả", phù hợp với Hiến pháp 2013. Đồng thời, dự luật đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhằm đảm bảo sự lãnh đạo tập trung nhưng vẫn phát huy tính chủ động của địa phương.
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 điều (giảm 2 chương, 18 điều so với luật hiện hành), với các nội dung chính gồm: Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung quan trọng theo Hiến pháp; phối hợp với các cơ quan thực thi quyền tư pháp, công tố để đảm bảo quản lý hiệu quả; quyết định chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Làm rõ thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng lãnh đạo, điều hành chung nhưng không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi bộ, ngành. Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả điều hành.
Tăng cường phân quyền, phân cấp: Chính quyền địa phương được chủ động quyết định các lĩnh vực đã được giao, chịu trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả. Dự luật cũng quy định rõ nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, tránh chồng chéo.
Một điểm nhấn đáng chú ý là việc nâng cao trách nhiệm giải trình. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình. Điều này góp phần nâng cao tính minh bạch, tăng cường giám sát và phòng tránh sai phạm trong quản lý nhà nước.
Những cải cách này nhằm xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số và xu hướng quản trị quốc gia hiện đại. Nếu được thông qua, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ tạo nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi để phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn trong tổ chức bộ máy nhà nước. Các tài liệu trong hồ sơ dự thảo đã đảm bảo đầy đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo trình tự rút gọn, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với các luật khác như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Điều 6 nhằm làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 6 về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực sự rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo tính phù hợp và khả thi.
Bên cạnh đó, các quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền tại các Điều 7, 8 và 9 thể hiện rõ chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương. Tuy nhiên, giữa dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vẫn còn sự khác biệt trong quy định về chủ thể nhận phân cấp ở địa phương. Điều này có thể dẫn đến bất cập trong thực thi, do đó, cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng. Tuy nhiên, một số nội dung vẫn còn thiếu tính liên thông với Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, cần rà soát và quy định theo hướng khái quát hơn nhằm đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.
Đối với điều khoản chuyển tiếp tại Điều 32, Ủy ban Pháp luật đồng tình với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý kịp thời để thực hiện phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực cấp bách. Tuy nhiên, vẫn còn hai quan điểm khác nhau về cơ chế báo cáo Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng việc báo cáo là cần thiết để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, trong khi một số ý kiến khác cho rằng chỉ nên báo cáo tại kỳ họp gần nhất nhằm giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan liên quan. Do còn ý kiến trái chiều, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội thảo luận và quyết định.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, cũng như điều khoản chuyển tiếp. Việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, do đó, cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Trần Hương
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/day-manh-phan-cap-phan-quyen-va-phan-trach-nhiem-160421.html