Tín dụng sẽ cán đích
Từ đầu năm nay, cơ quan điều hành đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%. Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu này hoàn toàn khả thi và còn có khả năng tăng cao hơn với tình hình hiện tại. Theo số liệu thống kê, tính đến 30/6, tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do NHNN thực hiện mới đây cũng cho thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng, bao gồm gửi tiền, thanh toán, thẻ và vay vốn, tiếp tục được các TCTD đánh giá là “cải thiện” trong quý II/2025. Đặc biệt, nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được ghi nhận cải thiện mạnh mẽ hơn so với nhu cầu gửi tiền. Đáng chú ý, các TCTD đã điều chỉnh tăng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên 16,8%, vượt xa tốc độ tăng thực tế của năm 2024.
Các chuyên gia khuyến nghị song song với việc đẩy mạnh tín dụng, cần chú trọng đảm bảo cả chất lượng để đảm bảo tăng trưởng một cách bền vững
Tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tín dụng hiệu quả, trên cơ sở đảm bảo an toàn và bền vững. Tín dụng được định hướng tăng trưởng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, với tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.
Ông Tùng thông tin, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức từ 8% trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16,5% đến cuối năm và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của nền kinh tế. Theo ông Tùng, ngân hàng luôn chủ động tiếp cận khách hàng, thiết kế các gói giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù từng đối tượng; đồng hành tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, thị trường. Định hướng tín dụng Vietcombank tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và NHNN, với dư nợ hiện chiếm khoảng 35% tổng dư nợ.
Còn tại MB, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,5%; huy động vốn tăng 12%. MB kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 1,27%. Cùng với việc trích lập dự phòng đầy đủ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 100%.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TPBank cũng nhiều gam màu sáng, với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Theo ngân hàng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TPBank tích cực là nhờ tăng trưởng tín dụng đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng - những mảng mang lại biên lãi ròng cao.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nhận định, để kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo thì tín dụng là động lực không thể thiếu. Tín dụng dự báo nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn mục tiêu đề ra là 16% cho năm 2025.
Cẩn trọng kiểm soát rủi ro
Trong phát biểu mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lưu ý rằng vốn đầu tư trong nước hiện phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng so với GDP đã đạt 134%. Nếu tiếp tục phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống và nền kinh tế. Thống đốc NHNN nhấn mạnh cần thận trọng trong việc cân đối các nguồn vốn, tránh tạo ra áp lực quá lớn lên hệ thống tài chính trong khi vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng nhìn nhận, hiện tuy đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát triển các thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu… nhưng thẳng thắn rằng các kênh dẫn vốn này vẫn chưa phát huy được vai trò của mình, gánh nặng cung ứng vốn vẫn tiếp tục đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Đã có rất nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức cao, so sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thị trường quốc tế, đây là một thông lệ không tốt.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý và các TCTD nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như có sự phân hóa giữa “sức khỏe” các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hiện tại, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức cho công tác điều hành của NHNN khi điều hành chính sách tiền tệ vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống TCTD. Chính vì vậy, việc tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với đảm bảo chất lượng để tránh rủi ro an toàn hệ thống.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV đề xuất, để hệ thống các TCTD phát triển bền vững và phục vụ tốt nền kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục chỉ đạo phát triển đồng bộ và cân bằng hơn giữa thị trường tài chính và thị trường vốn. Điều này nhằm tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và tạo điều kiện cho các TCTD tập trung cung ứng vốn ngắn hạn và thực hiện các dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời, hỗ trợ tăng vốn điều lệ cho các TCTD để đáp ứng yêu cầu thể chế, các thông lệ quốc tế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới; tiếp tục tăng cường năng lực quản lý và giám sát an toàn, ổn định hệ thống ở cấp quốc gia, bao gồm việc xây dựng mô hình quản lý, cảnh báo rủi ro, và cơ chế ứng phó khủng hoảng, cũng như tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên trong thực tế.
Quỳnh Trang