ĐBQH: Miễn học phí là chính sách nhân văn nhưng cần khả thi và công bằng

ĐBQH: Miễn học phí là chính sách nhân văn nhưng cần khả thi và công bằng
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số nội dung quan trọng khác.
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối tượng thụ hưởng cần rõ ràng, không để ai bị loại trừ
Tham gia góp ý kiến, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình cao với các dự thảo nghị quyết về miễn thuế nông nghiệp và chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đồng thời nêu nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách, bảo đảm tính thực thi, công bằng và hiệu quả trong thực tế.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức khẳng định, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, một chính sách đã được áp dụng từ năm 2004 đến nay – là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Ông đề nghị cần rà soát và điều chỉnh nghị quyết này cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2024.
“Chúng ta cần bổ sung các điều khoản nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc canh tác cầm chừng chờ cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh thất thoát tài nguyên và lãng phí đất đai”, ông Đức nói.
Sau miễn thuế nông nghiệp, chúng ta thấy rằng cả nước và nhân dân đang rất phấn khởi với nghị quyết của Đảng và được cụ thể hóa trong nghị quyết chúng ta thảo luận hôm nay, đó là miễn và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, giáo dục phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Nhưng để nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống và không ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần có những quy định chặt chẽ hơn, tính toán rõ hơn”, ông Đức nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức chỉ ra điểm chưa hợp lý trong quy định tại Điều 1 của dự thảo nghị quyết khi chỉ đề cập đến “người học là công dân Việt Nam”. Ông cảnh báo việc này có thể khiến hàng chục nghìn người gốc Việt chưa rõ quốc tịch – hiện đang sinh sống, học tập tại Việt Nam – không được hưởng chính sách, trong khi đây là nhóm dễ bị tổn thương.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM) cho biết, tổng học phí chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với hơn 5.000 tỷ đồng trong đề xuất của Chính phủ dành cho lứa tuổi này.
Số kinh phí trên để chi cho miễn giảm học phí; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ giáo viên. Trong đó, tỷ lệ hỗ trợ cho giáo viên là thấp nhất.
“Theo tờ trình, mỗi năm có khoảng hơn 5 triệu trẻ mầm non đến lớp, phân nửa ở trường tư thục và phân nửa ở công lập. Thống kê hiện nay cho thấy khoảng 300.000 trẻ ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận giáo dục mầm non. Bảng thống kê của Chính phủ đã thể hiện kinh phí được chia cho từng khu vực và lĩnh vực hỗ trợ”, bà Châu nói.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM) phát biểu.
Bày tỏ thống nhất với chủ trương phổ cập giáo dục mầm non, bà Tô Thị Bích Châu đánh giá đây là một sự cố gắng lớn để phổ cập giáo dục cho trẻ, đặc biệt đây là lứa tuổi hình thành nhân cách, bắt chước và làm theo. Vì vậy, theo bà, chủ trương này rất nhân văn.
Tuy nhiên, bà Châu bày tỏ băn khoăn về hiệu quả thực tế của chính sách hỗ trợ. Với kinh phí hỗ trợ, một đứa trẻ mầm non đi học sẽ được hỗ trợ bữa ăn và học phí. Vậy làm sao để vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa?
"Khi phổ cập giáo dục mầm non là chính sách nhân văn, hỗ trợ kinh phí giúp giảm gánh nặng cho gia đình. Nhưng liệu các gia đình vùng sâu vùng xa có đủ động lực đưa con đến trường.
Hiện nay, việc phổ cập mầm non lớp lá đòi hỏi phải có giấy chứng nhận. Liệu đây có phải là điều kiện tiên quyết để vào lớp 1 ở các tỉnh vùng sâu vùng xa hay không?", bà Châu nêu câu hỏi và cho rằng sự hỗ trợ kinh phí cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi chủ yếu là để động viên cha mẹ đưa con đến trường.
Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên).
Tuy vậy, ngoài học phí, còn có chi phí đồng phục và các hoạt động khác, chiếm đến 50% tổng chi phí mà phụ huynh phải đóng hàng tháng. Dù chỉ học lớp mầm, phụ huynh vẫn phải đóng góp, hỗ trợ các hoạt động dã ngoại, trang thiết bị học tập và bữa xế.
Bà Châu tái khẳng định quan điểm, chính sách này rất nhân văn với công nhân, lao động... nhưng để thúc đẩy và hỗ trợ 300.000 trẻ mỗi năm ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn thì cần có một tổ chức thực hiện và vận động hiệu quả.
"Nguồn kinh phí cho một đứa trẻ không chỉ là học phí mà còn nhiều khoản khác. Thực tế, học phí có thể thấp so với tổng chi phí đưa trẻ đến trường" bà Châu nói và mong Chính phủ có giải pháp cho vấn đề này.
Cần chính sách đột phá và hỗ trợ thêm chi phí học tập
Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp, xóa bỏ phòng học tạm và xuống cấp ở vùng khó khăn. Bà cảnh báo tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương và yêu cầu sớm bổ sung biên chế trên cơ sở thực tiễn thay vì tinh giản cơ học.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh).
Bà cũng đề xuất ứng dụng công nghệ trong việc chi trả chính sách miễn học phí, đồng thời chuyển khoản hỗ trợ trực tiếp đến phụ huynh để tăng minh bạch và giảm thủ tục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) đánh giá việc mở rộng phổ cập từ 5 tuổi xuống 3 tuổi là bước đi tích cực. Ông đề xuất các chính sách cần có tính đột phá hơn, đặc biệt là trong phát triển cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu và đội ngũ giáo viên.
Ông cũng đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ thêm sách giáo khoa – một chi phí đáng kể mà nhiều gia đình khó khăn phải gánh vác.
Cân đối ngân sách và tránh "bao cấp ngược"
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu ba vấn đề lớn cần quan tâm trong chính sách học phí: Thứ nhất, cần làm rõ khái niệm và phạm vi áp dụng; Thứ hai, thiết kế mức hỗ trợ hợp lý để tránh "bao cấp ngược" cho các trường tư vốn phục vụ nhóm dân cư có thu nhập cao; Cuối cùng là cần đảm bảo minh bạch trong chi trả học phí, đặc biệt là ở khu vực ngoài công lập.
Ông đề xuất chỉ hỗ trợ học phí tại trường tư cho các đối tượng yếu thế như hộ nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật... Đồng thời, giao HĐND tỉnh quy định chi tiết mức hỗ trợ và điều kiện đi kèm nhằm bảo đảm công bằng và minh bạch.
Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đầu tư vào giáo dục mầm non – giai đoạn hình thành nhân cách và phát triển toàn diện của con người. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế, cần có cơ chế triển khai chặt chẽ, lộ trình cụ thể và nguồn lực đảm bảo.
“Miễn học phí không chỉ là chính sách kinh tế - xã hội, mà là chiến lược đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực quốc gia. Chính sách cần đúng - đủ - trúng để tạo động lực thực chất cho mọi gia đình và mọi đứa trẻ”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-mien-hoc-phi-la-chinh-sach-nhan-van-nhung-can-kha-thi-va-cong-bang-post1201420.vov