Đánh giá tiềm năng khoáng sản vùng Tây Bắc, phát hiện nhiều loại khoáng sản quý. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh Tây Bắc không chỉ là vùng phên dậu chiến lược của đất nước, mà còn là kho tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tiềm năng khoáng sản quý giá vẫn chưa được khai thác đúng mức do thiếu dữ liệu khoa học chính xác và đồng bộ.
Vì vậy, việc hoàn thành Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế-xã hội” (Đề án Tây Bắc) không chỉ giúp làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản, mà còn cung cấp bản đồ địa chất chi tiết, cập nhật và chuẩn hóa để phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, khai thác khoáng sản hiệu quả, phát triển bền vững của các địa phương.
Mở ra cơ hội khai thác tài nguyên hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị công bố kết quả triển khai đề án trên, diễn ra sáng 28/3, ông Kiên cho biết Đề án Tây Bắc là một trong những nhiệm vụ địa chất quan trọng nhất trong chiến lược điều tra cơ bản của ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam. Do đó, việc hoàn thành đề án trên phạm vi triển khai rất rộng, không chỉ đánh dấu kết thúc một chặng đường mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác tiềm năng tài nguyên một cách hiệu quả, bền vững, gắn với phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Bắc trong thời gian tới.
Sau gần 8 năm triển khai, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc; phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng.
Đáng chú ý, trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Có 5 mỏ đồng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 13.000 tấn đồng kim loại. Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện khoáng sản đi kèm có vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420 kg vàng.
“Đề án cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản hiện đại, cho phép tra cứu, quản lý và chia sẻ thông tin nhanh chóng, minh bạch, phục vụ hiệu quả công tác quy hoạch và khai thác tài nguyên khoáng sản tại các địa phương; khoanh định 7 khu vực khoáng sản ẩn sâu và dự báo nhiều khu vực tiềm năng để tiếp tục điều tra, đánh giá trong giai đoạn tới,” ông Kiên nói.
Đặc biệt, theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quý Kiên, các kết quả của đề án đã được tích hợp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp các địa phương có căn cứ khoa học để thăm dò, khai thác hợp lý và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên.
Tuy vậy, ông Kiên cũng lưu ý mặc dù đề án đã hoàn thành, song để phát huy tối đa giá trị của kết quả điều tra, trong thời gian tới, các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; nâng cao năng lực giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Về phần Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Kiên đề nghị các đơn vị được giao, thời gian tới cần tiếp tục điều tra chuyên sâu các khu vực có tiềm năng khoáng sản ẩn sâu và mở rộng phạm vi nghiên cứu để làm rõ thêm những khu vực có triển vọng; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ địa chất tại địa phương, đảm bảo tiếp cận và sử dụng thành thạo hệ thống dữ liệu khoáng sản mới.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Cam kết hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao dữ liệu
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhấn mạnh kết quả thực hiện Đề án Tây Bắc đã vượt 200% mục tiêu được phê duyệt. (Mục tiêu ban đầu là từ 30 mỏ đến 35 mỏ mới).
Theo ông Trọng, thành công của đề án “nghiên cứu lòng đất” trên là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường); sự phối hợp hiệu quả của các địa phương; và sự cống hiến thầm lặng của hàng trăm cán bộ địa chất trong suốt quãng thời gian gần 8 năm qua.
Về ý nghĩa của đề án, ông Trọng khẳng định với 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quan trọng mới phát hiện trong quá trình triển khai dự án - đây là nguồn nguyên liệu khoáng đáng kể, quan trọng cung cấp cho các ngành, các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội nếu được khai thác, chế biến, sử dụng trong thời gian tới.
Cùng với đó, Đề án Tây Bắc cũng đã hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081 km, góp phần cơ bản phủ kín nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc; làm rõ hơn cấu trúc địa chất và lịch sử phát triển địa chất của vùng, đã phát hiện nhiều điểm biểu hiện khoáng sản và khoanh định được nhiều khu vực có tiềm năng khoáng sản…
Với tầm quan trọng đó, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao dữ liệu để các địa phương khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên điều tra; tiếp tục điều tra chuyên sâu vào các khu vực khoáng sản ẩn sâu và bổ sung điều tra theo chỉ đạo của bộ.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng cam kết sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và đào tạo cán bộ địa phương trong sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã bàn giao.
Tại sự kiện đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường của các tỉnh cũng đã cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu các kết quả của Đề án Tây Bắc được triển khai tại địa phương để làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản; cập nhật bản đồ địa chất chi tiết cũng như cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch và khai thác khoáng sản bền vững của các địa phương trong thời gian tới./.
(Vietnam+)