Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Huế
Ông Phan Quốc Sơn cho biết: Hiện nay, số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố khoảng hơn 6.100 DN, tăng 2.084 DN so với năm 2020. Trong đó, 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp hơn 9.000 tỷ đồng và chiếm 70% tổng thu ngân sách địa phương. Trong khi đó, toàn thành phố có hơn 20.300 hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh do cơ quan thuế đang quản lý trên địa bàn nhưng chỉ đóng 104 tỷ đồng/năm cho nguồn thu ngân sách.
Thực tế trên cho thấy, DN có mức đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Ngoài tạo ra tổng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, DN còn đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND thành phố tạo dựng môi trường kinh doanh tập trung vào 4 vấn đề: Xây dựng môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị, điều hành DN, mở rộng kết nối thị trường; hỗ trợ kết nối các nguồn lực cho đầu tư phát triển như, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, nguồn nhân lực; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục hành chính.
So với một số địa phương lân cận, số lượng DN trên địa bàn vẫn khá khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
Qua phân tích, dù số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn còn khiêm tốn, với mật độ tương đương 45 DN trên một vạn dân, song vẫn thuộc nhóm trung bình của khu vực miền Trung. Mặc dù Huế có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của người dân, DN vẫn chưa như kỳ vọng. Phần lớn đang đăng ký theo hình thức HKD với hơn 50.000 HKD đã đăng ký và số hộ nộp thuế định kỳ khoảng 20.000 HKD.
Có thể thấy sự chênh lệch giữa số lượng DN và HKD khá lớn, phải chăng HKD ngại “lên” DN?
Một trong những lý do khiến số lượng DN khá khiêm tốn trong khi số lượng HKD lại khá lớn một phần xuất phát từ sự thuận lợi khi gia nhập thị trường, mô hình quản trị đơn giản, chi phí quản trị khi chủ HKD tự kê khai và nộp thuế khoán theo quy định thấp.
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại sản phẩm
Tuy nhiên, việc thành lập DN lại mang đến nhiều lợi ích hơn, nhất là với các hộ có quy mô kinh tế khá lớn. Chẳng hạn như khả năng huy động vốn dễ dàng hơn, mở rộng quy mô kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp tốt hơn và cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho DN thuận lợi hơn. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục kiến nghị xây dựng các chính sách thuế phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các HKD nhỏ có điều kiện khởi nghiệp, gia nhập thị trường, đồng thời khuyến khích các HKD chuyển đổi sang mô hình DN nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể hiểu việc chuyển đổi HKD lên DN là điều cần thiết để thúc đẩy DN tư nhân phát triển?
Tùy theo mô hình kinh doanh, lĩnh vực hoạt động và quy mô mà chủ HKD quyết định lựa chọn mô hình kinh doanh hộ cá thể hoặc chuyển đổi lên DN phù hợp. Tuy nhiên, đối với các HKD có quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh tương đối lớn thì việc thúc đẩy HKD lên DN sẽ góp phần tăng cường vị thế, khả năng cạnh tranh, tiếp cận vốn, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, còn tạo ra nhiều cơ hội phát triển, tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế. Vì vậy, việc chuyển đổi này không chỉ có lợi cho DN, mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội và nền kinh tế.
Theo ông, cần làm gì để khuyến khích HKD chuyển đổi lên DN?
Để khuyến khích chuyển đổi từ HKD lên DN, cần thiết nhất phải thúc đẩy công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin rõ ràng về các lợi ích khi chuyển đổi và các chính sách hỗ trợ dành cho DN, như giảm thuế, giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ các công cụ giảm chi phí quản trị DN bằng các hệ thống phần mềm, trợ lý ảo AI hoặc các gói hỗ trợ đào tạo, vay vốn. Đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, giảm chi phí và thời gian để giúp HKD dễ dàng chuyển sang mô hình DN. Cung cấp các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn cho các hộ kinh doanh khi họ quyết định chuyển đổi, nhất là cho các HKD nhỏ và vừa.
Đặc biệt, phải có quy trình quản lý thuế, yêu cầu đối với báo cáo thuế một cách đơn giản cho các DN siêu nhỏ và nhỏ. Đồng thời, phải bỏ hình thức thuế khoán đối với HKD.
Hiện nay, Sở Tài chính đang tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch “Nâng cao năng lực, phát triển số lượng DN, hỗ trợ DN chuyển đổi từ HKD trên địa bàn thành phố Huế”. Trong kế hoạch, bên cạnh những chính sách đang được triển khai, sở đã nghiên cứu hỗ trợ miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm đầu đối với HKD chuyển đổi thành DN nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ/năm; hoặc nghiên cứu hỗ trợ phần mềm kế toán cho các HKD chuyển đổi thành DN trong 2 năm đầu...
Vậy công tác hỗ trợ HKD lên DN, DN thành lập mới được triển khai ra sao?
Thành phố hiện đang triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ HKD lên DN cũng như hỗ trợ DN thành lập mới.
Theo đó, DN thành lập mới trên địa bàn thành phố sẽ nhận được hỗ trợ sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chi phí thuê kế toán đối với DN siêu nhỏ chuyển đổi từ HKD. Mục tiêu của việc ban hành chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi từ HKD, hỗ trợ DN thành lập mới là nhằm thúc đẩy phát triển DN, giải quyết bài toán về thuế đối với các HKD khi chuyển đổi lên DN, thúc đẩy DN ứng dụng chữ ký số, sử dụng hóa đơn điện tử; góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả.
Thời gian qua, thành phố đã thực hiện hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử cho hơn 2.000 DN với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho DN chuyển đổi từ HKD với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Qua đó, góp phần khuyến khích sự gia tăng số lượng DN trên địa bàn thành phố, giúp DN mới thành lập giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, thúc đẩy phát triển DN.
Thời gian tới, sở tập trung xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính, hiệp hội DN để hỗ trợ các DN mới từ việc thành lập đến hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nhân thành đạt với các chủ hộ kinh doanh và các DN mới thành lập nhằm tạo hệ sinh thái hỗ trợ DN toàn diện. Tăng cường công tác tuyên truyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính và tín dụng, khuyến khích các sáng kiến khởi nghiệp, hỗ trợ DN chuyển đổi số và tạo ra các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Loan (Thực hiện)