Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.
Trong quá trình đó, đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn phải đối mặt với việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo báo cáo từ các địa phương, hiện có 574 cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ trước thời điểm 15/1/2019 (mốc hiệu lực của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ). Phần lớn trong số này ký hợp đồng trước ngày 15/1/2019 (425 người) do nhu cầu thực tế thiếu nhân sự làm việc trong các cơ quan chuyên trách công đoàn, nhất là nhân sự làm công tác tài chính.
Trong số này, 521 người hiện đang công tác tại liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và công đoàn cấp trên cơ sở, được tổ chức công đoàn chi trả lương, còn lại 53 người thuộc diện do cơ quan chuyên môn trả lương. Phần lớn đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách có chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tốt; tâm huyết, tận tụy, gắn bó với người lao động, sâu sát với cơ sở; nhiều anh chị có thành tích vượt trội với mong muốn được gắn bó lâu dài với tổ chức công đoàn.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Do yêu cầu sắp xếp tinh gọn bộ máy công đoàn, số cán bộ này phải nghỉ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rất hiểu tâm tư, cảm xúc của họ,
Tuy nhiên, đối chiếu với Văn bản số 1814/BNV-TCBC ngày 26/4/2025 của Bộ Nội vụ đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP), việc 521 cán bộ công đoàn chuyên trách này không đáp ứng đủ điều kiện về mặt hợp đồng, khiến nhóm cán bộ này chưa được xét vào diện hưởng chính sách khi tổ chức bộ máy được sắp xếp lại.
Nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện chính sách và cán bộ công đoàn chuyên trách phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, từ tháng 4/2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bàn đến vấn đề này.
Trong tháng 5/2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã gửi 2 văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP đối với 521 cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, gửi Đảng ủy Tổng Liên đoàn cũng gửi 2 văn bản báo cáo Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương. Tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 23/6, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, kiến nghị của Đảng ủy Tổng Liên đoàn đã được tổng hợp, báo cáo đồng chí Tổng Bí thư.
Cán bộ công đoàn sâu sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, với nỗ lực bảo đảm quyền lợi của đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ngày 27/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3713/QĐ-TLĐ về việc thành lập tổ nghiên cứu hồ sơ cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn nghiệp vụ.
Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ xem xét, rà soát các hồ sơ cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống công đoàn và đối chiếu các quy định hiện hành để báo cáo, tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phương hướng giải quyết các chính sách cho cán bộ công đoàn làm hợp đồng, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Ngày 4/7, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận số 174-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Kết luận cũng nêu rõ, giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc theo chế độ hợp đồng (hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí công đoàn) chịu ảnh hưởng bởi sắp xếp.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ: Trước quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động nói chung, cán bộ công đoàn nói riêng, Đảng ủy và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn với trách nhiệm của mình rất quan tâm, nghiên cứu, đề xuất. Đây là vấn đề nhạy cảm, có tính lịch sử và chưa có trong các chính sách, nên khi chưa có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền, Tổng Liên đoàn chưa thể thông báo hay truyền thông đến các anh chị em cán bộ công đoàn.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: Khi nhận được thông tin này, 521 cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng nói riêng, đội ngũ cán bộ công đoàn nói chung rất phấn khởi. Tổng Liên đoàn cho rằng, với sự đóng góp thầm lặng và nhiều ý nghĩa, những cán bộ chuyên trách hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ rất xứng đáng được hưởng chế độ phù hợp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cụ thể, dựa trên sự tham khảo của Nghị định 178 và Nghị định 154/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của cán bộ công đoàn trên cơ sở đặc thù đối tượng và nguồn lực tài chính công đoàn - đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết.
THANH HÀ