Thực trạng này càng đáng lưu tâm hơn khi chính quyền địa phương hai cấp đã được phân quyền rất lớn.
Kiến trúc sư "bật khóc" khi nhìn lại bản vẽ
Tòa nhà Trung tâm Thương mại số 1 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, được người dân Thủ đô quen gọi là "Hàm Cá Mập" đã chính thức được phá dỡ vào tháng 7/2025, khép lại hơn 30 năm tranh cãi. Dù công trình không còn, nhưng bản vẽ gốc của cố KTS Tạ Xuân Vạn vẫn là một giai thoại.
Kiến trúc không chỉ là chuyện hình khối và vật liệu, mà là sự hiện diện hữu hình của tư duy phát triển đô thị.
Năm 1991, KTS Tạ Xuân Vạn thiết kế tòa nhà với nét cong mềm mại như "làn khói dâng", hài hòa với tháp nước Hàng Đậu và cảnh quan Hồ Gươm. Ý tưởng của ông được chọn qua cuộc thi, hứa hẹn một công trình mang dấu ấn đặc sắc, không lấn át quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng khi hoàn thành năm 1993, công trình lại biến dạng.
Trở về sau chuyến công tác, ông Vạn bàng hoàng thấy tòa nhà bị cơi nới, nham nhở. Ngồi bên hồ Gươm, ông Vạn bật khóc vì không hiểu sao người ta lại đối xử tồi tệ với tác phẩm kiến trúc của mình như thế.
Thì ra, chủ đầu tư đã tự ý sửa đổi thiết kế mà không tham khảo ông, biến "làn khói dâng" thành khối bê tông giật cấp, bị dư luận gọi là "Hàm Cá Mập" - cái tên xuất phát từ một nhà phê bình mỹ thuật năm ấy.
Chia sẻ về câu chuyện trên, KTS Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm kiến trúc, quy hoạch nông thôn (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng) cho biết, trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc - quy hoạch, ý tưởng thiết kế là sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học, bài bản, có chiều sâu từ nhiều nguồn dữ liệu, chất liệu thông qua học tập, trau dồi, tích lũy từ kinh nghiệm và tư duy đổi mới.
Tuy nhiên, hành trình từ bản vẽ đến công trình thực tế không bao giờ dễ dàng. Một ý tưởng xuất sắc có thể bị biến dạng do nhiều yếu tố: Thay đổi theo yêu cầu của chủ đầu tư, hạn chế về ngân sách hoặc sự thiếu đồng bộ trong triển khai. Điều này càng cần được quan tâm khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp, bởi lúc này cả hai cấp đã được phân quyền rất lớn.
Ngăn hệ lụy "mạnh ai nấy xây"
Theo ThS Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là thay đổi về hành chính, mà còn là bước chuyển quan trọng trong cách thức quản lý đầu tư, xây dựng, kiến trúc và không gian sống.
"Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra: Phân quyền thì nhanh, nhưng có đảm bảo chất lượng công trình? Có giữ được bản sắc và thẩm mỹ kiến trúc của đô thị?
Thực tế tại nhiều đô thị, cho thấy không ít công trình được cấp phép đầy đủ, bản vẽ đạt chuẩn, nhưng khi thi công lại không giống thiết kế, thậm chí vi phạm quy chuẩn về chiều cao, khoảng lùi, chi tiết mặt đứng, hoặc tổ chức không gian công cộng xung quanh", ông Lâm nói.
Nguy hiểm hơn, nếu việc quản lý trật tự xây dựng không gắn chặt với quy hoạch và định hướng kiến trúc đô thị, thì đô thị rất dễ rơi vào tình trạng "mạnh ai nấy xây", "đồng bộ trên giấy - hỗn loạn ngoài thực địa". Đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là một thách thức văn hóa, thẩm mỹ và pháp lý.
Cũng theo ông Lâm, dù quy định đã khá đầy đủ song khoảng cách giữa bản vẽ, giấy phép và công trình vẫn tồn tại.
Tăng cường thanh tra, giám sát
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, lãnh đạo phòng Quản lý quy hoạch, kiến trúc và quản lý xây dựng Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: Hiện nay, công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và cấp phép xây dựng trên địa bàn đang diễn ra thuận lợi. Thẩm quyền cấp phép, phê duyệt cấp tỉnh vẫn được các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép theo quy định. Riêng thẩm quyền cấp huyện trước đây giao về cho các xã thực hiện.
Phối cảnh quảng trường Nguyễn Tất Thành (Tuyên Quang) đạt giải Nhất thi tuyển phương án kiến trúc.
Về cơ chế giám sát, vị này cho biết: "Trước đây, cả huyện với hàng chục xã nhưng chỉ có 1 người có thẩm quyền ký quyết định, thủ tục liên quan, nay mỗi huyện được chia ra từ 3 - 5 xã, có thẩm quyền quyết định như nhau nên công tác quản lý kiến trúc và triển khai, thẩm định, cấp phép sẽ thuận tiện, nhanh chóng hơn".
Theo ông Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, thành phố đã ban hành các văn bản về thiết lập quy trình kiểm tra, phân cấp, phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng, phân vùng kiểm soát kiến trúc; bắt buộc thi tuyển phương án kiến trúc đối với công trình lớn hoặc nhạy cảm.
Về cơ chế giám sát, đã phân cấp cụ thể cho UBND cấp xã, phường, Sở Xây dựng và Ban Quản lý khu công nghiệp, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cấp trong việc giám sát, xử lý vi phạm.
"Với việc phân định rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, nếu triển khai hiệu quả, sẽ rút ngắn khoảng cách từ bản vẽ đến công trình thực tế", ông Lâm nói và cho rằng, để đảm bảo hiệu quả, cần thanh tra và xử phạt nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế khi xây dựng sai bản vẽ, hồ sơ thiết kế ban đầu.
Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Quy chế quản lý kiến trúc đưa ra các quy định cụ thể về tầng cao, màu sắc, mật độ xây dựng, chỉ giới quy hoạch, không gian công cộng, chi tiết đến từng tuyến phố, ngõ, hẻm.
Vì thế, cần hệ thống số hóa, sử dụng GIS (thông tin địa lý) và BIM (mô hình thông tin công trình), tích hợp dữ liệu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, cho phép cư dân và doanh nghiệp tra cứu online trước khi đăng ký xây dựng. Điều này tăng tính minh bạch, giảm thủ tục hành chính, hướng đến đô thị thông minh.
Để đảm bảo hiệu quả, cần thanh tra và xử phạt nghiêm minh các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế khi xây dựng sai so với bản vẽ, hồ sơ thiết kế ban đầu. Hậu kiểm chặt chẽ giúp duy trì kỷ luật, tránh lặp lại những trường hợp như "Hàm Cá Mập".
Để bảo tồn giá trị kiến trúc trong mô hình chính quyền hai cấp, ông Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kiến trúc địa phương mẫu, tích hợp quy trình kiểm tra, hậu kiểm thống nhất.
Kim Thoa
Thương Nguyễn