Để không 'mắc cạn' khi đổ tiền làm homestay

Để không 'mắc cạn' khi đổ tiền làm homestay
5 giờ trướcBài gốc
Chỉ đam mê thôi chưa đủ
Tại nhiều tỉnh thành, khu vực có tiềm năng du lịch như Đà Lạt, Hội An, Sapa, Hà Giang hay các vùng ven biển, du khách dễ dàng bắt gặp những căn nhà nhỏ được cải tạo đơn giản, hay những khu homestay hàng tỷ đồng với thiết kế độc đáo.
Để giữ chân du khách, các homestay phải luôn làm mới mình trong mắt khách hàng.
Thời gian qua, mô hình xây dựng homestay (loại hình nhà ở kết hợp cho khách du lịch thuê) trở thành xu hướng đầu tư phổ biến. Tuy nhiên, việc có thành công với phân khúc bất động sản này hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ ý tưởng, nguồn vốn cho đến cách vận hành, marketing và chăm sóc khách hàng.
Là chủ của một homestay, chị Hà Tú Anh hài hước chia sẻ, câu đầu tiên khi được hỏi, chị sẽ trả lời là: "Nếu ghét ai hãy xui họ làm homestay!".
Theo chị, homestay có nghĩa là nhà để ở và loại hình này chỉ phù hợp với dân bản địa làm thêm. Nghĩa là ngoài việc đồng áng, đi biển, làm vườn... thì họ làm thêm homestay cho khách ở cùng, trải nghiệm cùng.
Nghiên cứu kỹ các đối thủ cạnh tranh trong khu vực là bước đầu tiên để xây dựng chiến lược giá hiệu quả. Chủ homestay nên theo dõi biến động giá của 5-7 homestay lân cận, thông qua các nền tảng đặt phòng trực tuyến. Đồng thời, phân tích các yếu tố như vị trí, tiện nghi và đánh giá của khách để định vị đúng phân khúc. Từ đó có thể xác định giá phù hợp, tăng giá mùa cao điểm, cuối tuần hoặc áp dụng các combo, ưu đãi dài hạn trong mùa du lịch.
Ông Hồ Quang Hiển, CEO của DPS.MEDIA JSC
"Nhưng khách lại không thích nhà vệ sinh dùng chung, không thích ăn cùng mâm, thích ở riêng tư, do không hiểu bản chất của dịch vụ homestay nên muốn tiện nghi.
Trong khi đó, dân bản địa thì gần như không có tiền để làm. Vì vậy, mô hình homestay dần thu hút các nhà đầu tư có tiền đổ về. Đó là lý do có những homestay tiện nghi nhưng lại không gắn với cuộc sống và con người bản địa, trở nên lỡ cỡ. Điều này khiến du khách trải nghiệm không ra trải nghiệm, nghỉ dưỡng cũng không ra nghỉ dưỡng", chị Tú Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị cho rằng nếu người đầu tư không thể về ở hẳn chỗ đó thì không nên xây dựng homestay. Bởi lẽ, dân bản địa thường có tâm lý không thích phục vụ người khác, nhất là khâu dọn dẹp, phục vụ chuyện vệ sinh, ăn ngủ.
"Tuyển người làm được việc phải tuyển từ phố, mà trả lương phải cao. Nhưng trả lương cao mà không có khách cũng rất khó", chị Tú Anh nói và cho rằng, rất nhiều khu homestay đều gặp tình trạng này. Thậm chí, có nơi chia sẻ lợi nhuận 50% nhưng cũng không tìm được người làm chuyên nghiệp.
Nếu vị trí homestay gần Hà Nội còn có thể kinh doanh được cuối tuần, nhưng ở những nơi xa, chỉ đón khách theo mùa vụ. Trong khi đó, mọi chi phí dịch vụ đều phải chi trả và vận hành quanh năm.
"Tiền thu không đủ bù chi phí, quy mô lại bé, nên dần homestay như một cục nợ, ở thì không ở, cho thuê không xong, trong khi đó vẫn phải thuê người chăm sóc", chị Tú Anh đúc rút.
Cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư
Tương tự, chị Vân Mai, chủ một homestay tại Yên Bái chia sẻ: "Nếu không phải bất động sản nằm trong khu du lịch có sẵn nên để tiền đầu tư việc khác. Đừng nghĩ làm homestay, lúc cần mình dùng, không ở thì cho thuê, đó chẳng qua là một miếng bánh vẽ".
Một homestay thiết kế kiến trúc và nội thất mang đậm tính bản địa tại Bản Rùa, Sapa.
Từ kinh nghiệm thực tế, chị Mai cho rằng, khi làm homestay phải tính toán rất nhiều chi phí như: tiền ra xây nhà, cảnh quan, bỏ công sức ra đào tạo nhân lực, chi phí để truyền thông, marketing…
Với kinh nghiệm vận hành chuỗi gồm 10 homestay, nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ tại Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô cho biết: Nhiều người thường bị cảm giác "hợp lý" đánh lừa. Thực chất homestay chỉ dành cho người giàu về thời gian và tiền bạc.
"Nếu nghĩ mua xong rồi sử dụng, sau đó vẫn tăng giá để bán dễ dàng thì đó là sai lầm lớn. Không chỉ tìm người cùng "gu" mới bán được, mà thanh khoản cũng kém. Theo kinh nghiệm của tôi, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi đầu tư homestay. Thị trường này đa dạng, nhiều đặc thù, nên cần tỉnh táo để tránh bị mắc cạn, thua lỗ", ông Trung nói.
Để đầu tư, vận hành thuận lợi, ông Trung cho rằng, nhà đầu tư nên tìm phương án dịch vụ kinh doanh kết hợp, chẳng hạn vừa cho thuê ở, vừa làm sản phẩm địa phương để bán: "Ví dụ, làm homestay kết hợp với nấu cao sâm rừng, hoặc bán đặc sản địa phương như chè, hải sản, sản phẩm thủ công như dệt, lụa, thổ cẩm, gốm sứ, kết hợp dẫn tour du lịch… Như vậy thành công sẽ đảm bảo hơn".
Hóa giải rủi ro cách nào?
Theo ông Nguyễn Duy, đại diện Mona Media, một đơn vị xây dựng chiến lược marketing, kinh doanh cho nhiều homestay, nhu cầu sử dụng loại hình này ngày càng tăng, dù có sự cạnh tranh gay gắt.
Homestay tại biển cũng là hình thức được nhiều người ưa chuộng.
Để giữ chân du khách và luôn làm mới mình trong mắt khách hàng, bên cạnh chiến lược quảng cáo, tiếp thị tốt, chủ homestay cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, đưa ra mức giá phù hợp cùng các ưu đãi đi kèm nhằm thu hút khách.
Với các nhà đầu tư coi homestay như một công việc kiếm thêm thu nhập, cần người khác quản lý, ông Duy cho rằng, điều này dễ xảy ra thất thoát doanh thu nếu không kiểm soát tốt.
"Vấn đề này có thể khắc phục bằng cách quản lý homestay bằng khóa từ, khách chỉ có thể vào phòng nếu có khóa do phần mềm tạo ra. Đây không chỉ là giải pháp tránh thất thoát doanh thu hiệu quả, mà còn đem lại hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt du khách", ông Duy nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp và là người đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh homestay, ông Hồ Quang Hiển, CEO của DPS.MEDIA JSC cho rằng, dù là mô hình tiềm năng, nhưng làm homestay tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là về tài chính. Vì vậy, một kế hoạch tài chính vững chắc là chìa khóa để dự án có thể phát triển bền vững.
Theo ông Hiển, việc xác định chính xác ngân sách ban đầu là yếu tố quyết định thành công của một homestay. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch tài chính chi tiết cho năm đầu vận hành cũng như xây dựng một quỹ dự phòng tài chính là điều rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, quỹ này nên tương đương với chi phí 6-12 tháng vận hành.
Nhi Nhi
Trang Lê
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/de-khong-mac-can-khi-do-tien-lam-homestay-192250514154319064.htm