Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).
Không nên lập tòa án phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại khu vực
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến 13 đạo luật khác nhưng tên gọi hiện tại chưa phản ánh đầy đủ, chính xác phạm vi sửa đổi. Vì thế, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tên gọi của dự thảo luật nhằm bảo đảm tính chính xác, toàn diện, phản ánh đầy đủ phạm vi sửa đổi của luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp.
Về tổ chức tòa án phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại các khu vực, dự thảo luật quy định cơ cấu lại các tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành tòa án khu vực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc thành lập 2 tòa này tại tòa án khu vực, vì thực tế số lượng vụ án thuộc 2 lĩnh vực này trong một năm không lớn. “Thậm chí, nhiều tỉnh, thành phố không phát sinh loại án này trong cả năm. Do đó, nếu thành lập tòa án chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ là không hợp lý. Điều này kéo theo việc bổ nhiệm thêm các chức danh lãnh đạo, biên chế trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này còn thấp. Vì thế, chúng ta có thể bố trí thẩm phán chuyên trách trong các tòa kinh tế, dân sự để giải quyết các vụ việc này phù hợp với thực tiễn” - đại biểu nêu.
Đồng tình nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thực tế các vụ việc này rất ít; đề nghị dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng để TAND cấp tỉnh xét xử, nếu có kháng cáo, kháng nghị thì chuyển lên tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử là hợp lý.
Tránh quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ việc xét xử
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến việc tổ chức tòa án nhân dân với 3 cấp gồm: TAND tối cao, tòa án cấp tỉnh và tòa án cấp khu vực. Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc phân cấp, phân quyền. Bởi hiện nay, việc phân cấp, phân quyền được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu tại hội trường.
Theo đại biểu, dự thảo luật lần này phân cấp, phân quyền rất mạnh cho tòa án khu vực liên quan đến các vụ án về hành chính, kinh tế, dân sự, hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, còn nội dung liên quan đến các vụ án hình sự lại chưa phân cấp triệt để cho khu vực, mà vẫn giao cho tòa án cấp tỉnh đối với mức án từ 2 năm tù trở lên. “Nếu chúng ta muốn cải cách bộ máy triệt để, phải phân cấp mạnh cho tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự. Khi đó, TAND cấp tỉnh chỉ xét xử phúc thẩm nhằm vừa cải cách triệt để vừa gần dân, sát dân hơn. Cùng với đó, chúng ta không cần tăng số lượng thẩm phán TAND tối cao lên 27 người mà giữ mức như hiện nay” - đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) quan tâm đến mối quan hệ phối hợp cũng như chế tài kiểm tra, giám sát giữa TAND tối cao, tòa án cấp tỉnh và tòa án khu vực. Khi thực hiện chính quyền 2 cấp, tòa án khu vực sẽ thực hiện xét xử sơ thẩm; tòa án cấp tỉnh sẽ thực hiện xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu.
Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát giữa hai tòa án này. “Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mối quan hệ, cơ chế kiểm tra, giám sát giữa hai tòa này để tránh quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ việc xét xử. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh tiêu cực ở cấp xét xử đầu tiên, vi phạm đạo đức nghề nghiệp” - đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị.
Tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu 71 ý kiến góp ý tại thảo luận tổ và 14 ý kiến tại hội trường và giải trình làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến thẩm quyền, cơ chế giám sát giữa tòa án các cấp; việc thành lập tòa án phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại khu vực…
Dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực.
Mô hình tổ chức hệ thống tòa án dự kiến gồm: TAND tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực. Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống tòa án 3 cấp, TAND tối cao được bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Thu Thủy