Đề tham khảo thi tốt nghiệp: Tăng độ khó, có tính đột phá

Đề tham khảo thi tốt nghiệp: Tăng độ khó, có tính đột phá
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 18-10, Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT các môn năm 2025. Đây là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình mới.
Xuất hiện dạng câu hỏi lạ
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hồ Thị Bi, huyện Hóc Môn trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Nhận định về đề tham khảo thi tốt nghiệp môn Toán, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM đánh giá đề khá khó, học sinh đạt điểm 8 không dễ.
“Đề tham khảo không còn xuất hiện dạng toán cổ điển từ trước đến nay là chứa tham số m. Trong đề còn có những câu hỏi lạ. Cụ thể, câu 2 phần trả lời ngắn thuộc phần chuyên đề khối 11.
Trong quá trình tập huấn, tác giả viết sách nêu chuyên đề sẽ không ra trong đề thi vì có em học, có em không gây thiệt thòi. Do đó, tôi và nhiều giáo viên thắc mắc liệu đề chính thức có ra vào phần chuyên đề hay không?” - thầy Thịnh nói.
Đồng quan điểm, thầy La Hồ Tuấn Duy, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP.HCM) đánh giá đề Toán đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Câu hỏi mới lạ, yêu cầu học sinh vận dụng toán để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đề không còn xuất hiện những câu hỏi tính toán khó nhằn như chương trình cũ.
“Với đề này, học sinh khá mới đạt được 7 điểm. Các em phải thực sự giỏi, làm toán cẩn thận mới đạt điểm cao” - thầy Duy nói.
“Đề tham khảo môn Văn hay, mới lạ, dễ đọc, dễ hiểu nhưng khá khó” - cô Nghiêm Thị Hồng Phượng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, tỉnh Hưng Yên nói.
Theo cô Phượng, sự mới lạ thể hiện ở cấu trúc đề gồm 2 phần đọc hiểu và viết, nhưng thay vì tỉ lệ điểm 3:7 như trước đây, hiện là 4:6.
Ở phần đọc hiểu, học sinh cần có nhận thức các vấn đề xã hội và kỹ năng viết. Vấn đề đặt ra liên quan đến trí tuệ nhân tạo gắn liền với xu thế, dễ viết. Tuy nhiên, phần viết khá khó do ngữ liệu từ ngoài chương trình học.
Đặc biệt, câu 2 điểm yêu cầu viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ khá khó. Việc giới hạn như vậy khiến các em phải tính toán, đôi khi hạn chế khả năng viết vì vậy nên để biên độ từ bao nhiêu chữ đến bao nhiêu chữ sẽ tốt hơn.
“Đề phân loại học sinh, hạn chế việc học tủ, học mẫu, đoán đề. Đề hạn chế được tình trạng “lạm phát điểm” - cô Phượng nói.
Cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, tỉnh Bình Dương, cho hay so với đề tham khảo môn Văn đã công bố tháng 10-2023, đề lần này sử dụng chung một ngữ liệu cho phần đọc hiểu và câu 1 phần viết thay vì hai ngữ liệu. “Đề đòi hỏi học sinh phải thật linh hoạt khi xử lí, nếu không sẽ khó hoàn thành trong 120 phút” - cô Tâm bày tỏ.
Đề tham khảo thi tốt nghiệp được đánh giá mang tính đột phá. Trong ảnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Đa trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Không còn “chọn bừa cũng có khả năng ăn điểm”
Với môn Vật lý, thầy Nguyễn Xuân Trường, giáo viên Trường THPT Thượng Cát, Hà Nội nhận xét đề có 3 phần.
Phần chọn đáp án chủ yếu tập trung vào kiến thức lý thuyết cơ bản, nhận biết thông hiểu đơn giản, ít tính toán. Phần tiếp theo là trắc nghiệm đúng sai có rất nhiều câu hỏi liên quan đến thí nghiệm và thực hành. Phần 3 là trả lời ngắn tập trung vào tính toán.
“Đề không nặng về tính toán nhưng khó cho học sinh. Lý do là các câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, ứng dụng của vật lý trong cuộc sống. Đề hay, đánh giá tốt năng lực học sinh, đáp ứng khả năng phân loại học sinh, không còn tính may rủi “chọn bừa cũng có khả năng ăn điểm” nữa. Đặc biệt, có 1 câu hỏi không nằm trong chương trình học” - thầy Trường nói.
Theo thầy Trường, đề tham khảo thi tốt nghiệp chủ yếu tập trung lớp 12, ít kiến thức lớp 10 và 11. Phổ điểm chủ yếu chỉ tập trung 7 điểm. Để đạt điểm cao, học sinh phải xem lại nhiều bài tập liên quan đến thực hành, các bước tiến hành thực hành thí nghiệm, tìm hiểu ứng dụng của vật lý trong cuộc sống.
“Đề đòi hỏi giáo viên chủ động trong việc cập nhật kiến thức, tìm kiếm nghiên cứu những bài toán mới. Nếu các trường không tổ chức cho học sinh thí nghiệm thực tế nhiều thì các em sẽ gặp nhiều khó khăn” - thầy Trường đánh giá.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Với môn Hóa học, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM nhìn nhận đề tham khảo thi tốt nghiệp có chuyển biến rõ rệt từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Các câu hỏi dàn trải nội dung 3 khối, mang bản chất Hóa học.
“Đề hạn chế câu tính toán phức tạp không có ý nghĩa, thay vào đó những bài tập Hóa học gắn thực tiễn đời sống, giúp phân hóa sâu, tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành. Với đề này, thầy trò phải đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, giáo viên giúp học sinh làm quen 3 dạng thức đề thi, kỹ năng xử lý tình huống thực tế thông qua cách tổ chức hoạt động học" - thầy Thanh khẳng định.
Thạc sĩ Đặng Thanh Huân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM nói: “Đề tiếng Anh là một bước đột phá rất rõ nét, khác cấu trúc đề các năm trước. Nội dung câu hỏi tập trung kĩ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic. Sự thay đổi trên làm tăng độ khó. Do đó, thí sinh không còn làm bài theo mẹo như trước, cần học đúng – hiểu thật; vận dụng kiến thức ngữ pháp và từ vựng để xử lý bài thi dưới áp lực về thời gian và độ khó của các dạng bài”.
Đề gồm 40 câu hỏi với 4 dạng bài. Dạng hoàn thành nội dung quảng cáo/thông cáo/tờ rơi (12 câu) không còn xuất hiện các câu hỏi ngắn riêng lẻ mà các câu hỏi ngữ pháp và từ vựng được lồng ghép vào 2 dạng bài đọc hiểu với yêu cầu cao hơn. Học sinh phải đọc hiểu thông tin trong văn bản.
Kiểu bài thứ 2 là sắp xếp thứ tự các câu thành một đoạn văn/lá thư/đoạn hội thoại hoàn chỉnh. Mỗi đoạn gồm 3 - 5 câu, thứ tự bị xáo trộn, học sinh cần hiểu ý và sắp xếp lại theo đúng trình tự. Dạng bài cần kĩ năng đọc hiểu, từ vựng, logic về sắp xếp ý và bố cục đoạn văn.
Thay vì chỉ điền từng từ vào chỗ trống như trước đây, dạng bài hoàn thành đoạn văn bằng các đoạn thông tin còn thiếu yêu cầu học sinh có kiến thức đọc hiểu sâu, logic, đồng thời ngữ pháp phải cực kì vững để lựa chọn các mệnh đề/câu văn đúng vào chỗ trống.
Cuối cùng là phần đọc hiểu trả lời câu hỏi gồm 2 bài đọc hiểu 8 câu và bài đọc hiểu 10 câu. Số liệu câu hỏi tăng, chủ đề các bài đọc rất thực tế.
Đề có sự thay đổi rõ rệt
Ở môn Lịch sử, Thạc sĩ Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới, TP.HCM cho hay cấu trúc đề có 2 phần trắc nghiệm lựa chọn (24 câu) và trắc nghiệm đúng sai (4 câu). Tổng số câu là 28 với 40 lệnh câu hỏi.
Đề thiết lập dựa trên 3 thành phần năng lực: tìm hiểu, nhận thức và tư duy lịch sử, vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học. Cùng với 3 cấp độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
Nội dung bám sát các chủ đề chính khóa thuộc chương trình lịch sử lớp 11 (4 câu) và lịch sử lớp 12 (24 câu). Trong đó, phần trắc nghiệm đúng sai gồm 4 câu (16 lệnh hỏi) thuộc chương trình lịch sử lớp 12. Đây là nội dung mới mẻ. Cách đặt câu hỏi dựa trên các đoạn tư liệu được trích dẫn từ các sách tham khảo, hoặc có thể là bảng sự kiện được tổng hợp lại. Các lệnh hỏi bám sát nội dung đoạn tư liệu và có sự phân loại các cấp độ tư duy.
“Đề có sự thay đổi rõ rệt, đánh giá chuyên biệt hơn các năng lực học tập. Sự thay đổi đòi hỏi giáo viên không chỉ bám sát nội dung chương trình mà cần tiếp cận nhiều nguồn tư liệu liên quan các chủ đề lịch sử và có phương pháp giảng dạy phù hợp” - thầy Thịnh nói.
Tương tự, một giáo viên dạy ở một trường THPT tại quận Phú Nhuận nhận xét: “Đề tham khảo thi tốt nghiệp năm nay chú trọng đánh giá năng lực nên phần đúng - sai, những đoạn tư liệu lịch sử hay, khách quan, không lấy từ sách giáo khoa, từ đó dễ dàng đánh giá được năng lực, phân hóa được học sinh”.
NGUYỄN QUYÊN - THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-tham-khao-thi-tot-nghiep-tang-do-kho-co-tinh-dot-pha-post815764.html