Phụ huynh thở phào khi bỏ bốc thăm môn thi lớp 10

Phụ huynh thở phào khi bỏ bốc thăm môn thi lớp 10
5 giờ trướcBài gốc
Bỏ bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10
Mới đây, trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố. Bộ Giáo dục đã bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10, song lại dự kiến môn này sẽ thay đổi hàng năm để tránh học lệch, học tủ.
Với tuyển sinh vào lớp 10, Bộ dự kiến ba phương thức gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức nào thuộc thẩm quyền của địa phương.
Riêng với thi tuyển, để có sự thống nhất trong toàn quốc và hướng tới kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Bộ dự kiến quy định thi ba môn gồm Toán, Ngữ văn và môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục. Việc thi 3 môn, bao gồm Toán, Văn và một môn luân phiên hàng năm, là một phương án hết sức hợp lý. Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn diện trong đánh giá năng lực học sinh mà còn giúp tránh tình trạng học tủ, học lệch. Đây là một bước đi cần thiết để đào tạo ra những người có kiến thức vững vàng và kỹ năng sống tốt.
Chị Phạm Thị Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhấn mạnh, thay vì quá tập trung vào thi cử như hiện nay, Bộ nên tạo điều kiện để học sinh được phát triển toàn diện hơn. Việc giảm tải chương trình học và thi cử sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn để rèn luyện thể chất, khám phá năng khiếu và định hướng nghề nghiệp.
Đại học và sau đại học là những giai đoạn quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để vào được những ngôi trường này, các em cần có một nền tảng kiến thức vững chắc, nhưng quan trọng hơn, các em cần có những kỹ năng mềm, khả năng tư duy độc lập và đam mê. Việc giảm tải chương trình học sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn để rèn luyện những kỹ năng này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến môn thi thứ 3 sẽ thay đổi hàng năm để tránh học lệch, học tủ (Ảnh: Báo Hải Dương).
Vô tình tạo ra một cuộc đua chạy đua về việc học thêm
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản đến các Sở GD&ĐT lấy ý kiến góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT.
Theo đề xuất của Bộ, kỳ thi vào lớp 10 từ 2025 trở đi sẽ gồm 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn còn lại thuộc Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật). Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Mục tiêu ban đầu của việc bốc thăm môn thi thứ 3 là nhằm tạo sự công bằng và tránh tình trạng học lệch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên bày tỏ băn khoăn vì thực tế cho thấy, việc này lại gây ra nhiều áp lực cho học sinh, đặc biệt ở các đô thị lớn.
“Việc bốc thăm môn thi thứ 3 muộn có thể gây ra nhiều bất cập. Đặc biệt tại các đô thị lớn có độ cạnh tranh, căng thẳng được đánh giá là hơn tuyển sinh đại học khi chỉ có trên 60-70% thí sinh trúng tuyển. Khi kỳ thi vào lớp 10 trở nên cạnh tranh gay gắt, việc không biết trước môn thi sẽ khiến phụ huynh và học sinh lo lắng, gây ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình ôn luyện”, anh Trần Minh Tuấn (quận Ba Đình, Hà Nội) nêu ý kiến.
Anh Minh Tuấn cho rằng, để đảm bảo tính công bằng và giảm thiểu áp lực, việc lựa chọn cố định ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là một giải pháp hợp lý. Đồng thời, việc thi ngoại ngữ sẽ góp phần phổ cập tiếng Anh, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.
Đồng tình với ý kiến của anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Trà My (quận Hà Đông, Hà Nội) nói: “Trong khi Chương trình GDPT 2018 đặt mục tiêu “học sinh là trung tâm”, nhưng quyết định về hình thức thi cử lại hoàn toàn bỏ qua ý kiến của chính những người trực tiếp chịu ảnh hưởng. Việc bốc thăm môn thi không chỉ tạo áp lực lớn cho học sinh mà còn làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục. Các gia đình có điều kiện sẽ dễ dàng cho con theo học thêm nhiều môn, trong khi những gia đình khó khăn sẽ bị tụt hậu”.
Theo chị Trà My, với việc bốc thăm môn thi, áp lực học tập đã trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp. Việc phải cho con đi học thêm nhiều môn để đối phó với kỳ thi không chỉ tốn kém mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
"Việc áp dụng hình thức bốc thăm môn thi đã vô tình tạo ra một cuộc đua chạy đua về việc học thêm. Các trung tâm luyện thi và gia sư sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này, trong khi học sinh và phụ huynh lại phải gánh chịu những hậu quả", chị Trà My bày tỏ.
Bốc thăm ngẫu nhiên môn thi có nguy cơ tạo áp lực cho học sinh
Trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với phương án bốc thăm ngẫu nhiên môn thi, đồng thời nhấn mạnh rằng chưa có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nào chứng minh hình thức thi này sẽ khuyến khích học sinh học tập tốt hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phương án chọn môn thi thứ 3 cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên còn bất cập, tạo thêm áp lực không cần thiết cho học sinh (Ảnh: NVCC).
“Việc thi tuyển vào lớp 10 đang đặt ra một bài toán khó. Mặc dù việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lo ngại việc thi cố định cả 3 môn sẽ dẫn đến tình trạng học tủ, học lệch là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thi cũng đặt ra một thách thức mới, đó là nguy cơ tạo áp lực cho học sinh khi phải ôn luyện nhiều hơn để đảm bảo kiến thức cho tất cả các môn”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Việc bốc thăm môn thi thứ 3 sẽ đặt học sinh vào tình huống vô cùng khó khăn. Với các môn tích hợp như Vật lí - Hóa học - Sinh học, Lịch sử - Địa lý, việc ôn tập cho một kỳ thi mà môn thi thứ 3 chưa xác định rõ sẽ khiến khối lượng kiến thức các em phải nắm vững tăng lên đáng kể và buộc học sinh phải phân tán sự tập trung vào quá nhiều môn học khác nhau.
Điều này đi ngược với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, vốn hướng đến việc đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh chứ không chỉ bó hẹp trong kiến thức từng môn học. Để phù hợp với mục tiêu này, việc xây dựng đề thi vào lớp 10 nên tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề thực tế của học sinh.
Hương Giang
Nguồn Trẻ em Việt Nam : https://treemvietnam.net.vn/phu-huynh-tho-phao-khi-bo-boc-tham-mon-thi-lop-10-d5457.html