BĐS được xác định là một trong những ngành “xương sống” của nền kinh tế, luôn xếp thứ 2 trong nhóm các ngành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam. DN kinh doanh BĐS đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển từ đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại đến du lịch và dịch vụ..., cũng là lực lượng nộp ngân sách lớn thứ 2 cả nước với hơn 37.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dẫu vậy, quá trình quản lý, hoạt động lại bộc lộ nhiều bất cập: giá BĐS tăng cao, vượt xa thu nhập thực tế do tình trạng đầu cơ, khan hiếm quỹ đất ở khu vực trung tâm, chi phí phát triển dự án cao, thiếu sản phẩm nhà ở phù hợp với người có thu nhập trung bình - thấp. Hệ quả là người dân khó tiếp cận nhà ở, đặc biệt là giới trẻ và người lao động đô thị.
Các DN kinh doanh BĐS, đặc biệt là những DN phát triển dự án phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đến khi chính sách tín dụng siết chặt, thị trường dễ rơi vào đình trệ. DN chỉ tập trung đầu tư vào dòng sản phẩm cao cấp, có mức lợi nhuận cao dẫn đến việc cơ cấu sản phẩm mất cân đối, thị trường dễ rơi vào trạng thái "bong bóng". Tình trạng "sốt đất" mỗi khi có thông tin quy hoạch hoặc hạ tầng mới là hệ quả của việc đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất tăng ảo...
Trong khi đó, việc thiếu quy hoạch đồng bộ và dài hạn dẫn tới tình trạng phát triển BĐS vượt quá năng lực hạ tầng ở nhiều nơi; sự phối hợp giữa quy hoạch và phát triển nhà ở khiến đô thị phát triển thiếu bền vững. Pháp lý dự án kéo dài hoặc không rõ ràng, nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục đã được rao bán; quá trình xin giấy phép, giải phóng mặt bằng, phê duyệt quy hoạch còn chậm và rườm rà... cũng là nguyên nhân khiến thị trường BĐS mất an toàn... Tất cả đều khởi nguồn từ việc thiếu minh bạch thông tin nên không có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, công khai về giá, quy hoạch, pháp lý...
Trong bối cảnh đó, đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý là một giải pháp mới đang được đưa ra để tăng cường minh bạch, ổn định và lành mạnh hóa thị trường BĐS tại Việt Nam. Nó không chỉ giúp minh bạch thông tin, khi Trung tâm có thể trở thành nơi công khai giá giao dịch thật, quy hoạch, pháp lý của các dự án, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, đầu cơ qua các dự án "ma" hoặc không đủ điều kiện pháp lý. Mà còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát hiệu quả hoạt động môi giới BĐS, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới chuyên nghiệp hóa lĩnh vực môi giới BĐS. Đồng thời, ổn định thị trường trước tình trạng "sốt đất", "bong bóng” BĐS do thông tin thất thiệt, tăng khả năng dự báo và điều tiết thị trường. Đặc biệt, nếu vận hành qua Trung tâm này còn có thể giúp chống thất thu thuế từ hoạt động mua bán nhà đất...
Rõ ràng, mô hình Trung tâm giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý là hướng đi tích cực trong bối cảnh thị trường đang thiếu minh bạch và dễ bị đầu cơ thao túng. Tuy nhiên, việc triển khai cần được tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể và tránh “hành chính hóa” thị trường. Nếu làm tốt, đây có thể là một công cụ quan trọng giúp ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Doãn Thành