Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác triển khai tuyển sinh, quản lý du học sinh; học bổng ngân sách nhà nước là vì Nghị định 86/2021/NĐ-CP còn một số vướng mắc liên quan đến công tác triển khai tuyển sinh, quản lý du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa
Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 86/2021/NĐ-CP vì còn một số vướng mắc liên quan đến quản lý du học sinh học bổng ngân sách nhà nước
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị định 86/2021/NĐ-CP còn một số vướng mắc liên quan đến công tác triển khai tuyển sinh, quản lý du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Do đó, tại dự thảo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác triển khai tuyển sinh, quản lý du học sinh; học bổng ngân sách nhà nước; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bổ sung quy định miễn bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh không hoàn thành khóa học vì lý do bất khả kháng; trách nhiệm thực hiện của các bộ ngành liên quan theo yêu cầu sáp nhập, tinh gọn bộ máy Chính phủ.
Về quy định thành phần hồ sơ nộp dự tuyển đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định thành phần hồ sơ dự tuyển tại khoản 2 Điều 5 phù hợp quy định quản lý trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Nghị định sửa đổi thay thế nộp sơ yếu lý lịch thành Bản sao thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề xuất trên nhằm thực hiện Kế hoạch số 516/KH-BGDĐT ngày 13/05/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực giáo dục phục vụ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ.
Về quy định cho nộp bổ sung hồ sơ dự tuyển các chương trình học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước: Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính Tuyển sinh công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng học bổng ngân sách nhà nước quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP về việc cho phép bổ sung hồ sơ, cụ thể:
"b) Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển, cơ quan cử đi học tổ chức thực hiện tuyển sinh và thông báo kết quả tuyển chọn cho ứng viên, cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác) qua việc thông báo rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thực hiện tuyển sinh. Trong thời gian thực hiện tuyển sinh, nếu hồ sơ dự tuyển của ứng viên còn thiếu thông tin, cơ quan cử đi học thông báo cho ứng viên để bổ sung và hoàn thiện theo quy định của từng chương trình học bổng".
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Nghị định 86/2021/NĐ-CP, thủ tục hành chính này không có quy định cho phép ứng viên được bổ sung hồ sơ, tuy nhiên thực tế triển khai có ứng viên vẫn phải bổ sung hồ sơ (ví dụ: Khi thực hiện tuyển chọn, phát sinh có ứng viên chưa có bằng tốt nghiệp mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp và cần phải bổ sung bằng tốt nghiệp, hoặc có ứng viên mới có bản phô tô, chưa nộp bản sao công chứng ...).
Về quy định thực hiện báo cáo tốt nghiệp đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, dự thảo đề xuất bổ sung thêm quy định hình thức nộp hồ sơ trực tuyến đối với hồ sơ báo cáo tốt nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công toàn trình cụ thể tại gạch đầu dòng thứ nhất của điểm c khoản 2 " Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khóa học, du học sinh phải nộp 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp hoặc trực tuyến cho cơ quan cử đi học;".
Bên cạnh đó, bổ sung thêm khoản 5 Điều 10 quy định tiếp nhận du học sinh học bổng ngân sách nhà nước về nước đối với đối tượng du học sinh học xong chưa về nước, ở lại nước ngoài học lên trình độ cao hơn hoặc ở lại thực tập sau tốt nghiệp, cụ thể:
"5. Du học sinh quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định này đã hoàn thành chương trình học tập, đủ điều kiện để được cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp nhưng chưa về nước, ở lại nước ngoài tiếp tục học lên trình độ cao hơn hoặc thực tập sau tốt nghiệp sẽ không được cấp vé máy bay về nước và phải được sự đồng ý của cơ quan cử đi học, cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác."
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tại Điều 10 Nghị định 86/2021/NĐ-CP chưa có quy định này, du học sinh có ở lại học tiếp vẫn thực hiện báo cáo với cơ quan cử đi học, cơ quan quản lý trực tiếp (nếu du học sinh có cơ quan công tác).
Khi phát sinh du học sinh ở lại học nối tiếp luôn sẽ không được hưởng lượt vé về nước của khóa học đã tốt nghiệp. Du học sinh tham gia khóa học khác sẽ được hưởng chế độ học bổng của khóa học đó (nếu có), theo quy định tài chính, không thể bảo lưu kéo dài thời gian chi trả vé máy bay về nước cho du học sinh khi du học sinh đã tốt nghiệp.
Cũng tại dự thảo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rà soát, bổ sung quy định miễn, giảm bồi hoàn chi phí đào tạo đối với du học sinh học bổng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 12 Nghị định 86/2021/NĐ-CP. Theo đó, bổ sung khoản 6, Điều 12 như sau:
"6. Du học sinh không phải là cán bộ, công chức, viên chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định này, không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp được xét miễn bồi hoàn chi phí đào tạo thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Địa điểm đang học xảy ra chiến sự, thiên tai hoặc dịch bệnh, không đảm bảo an toàn, an ninh để tiếp tục việc học tập, có xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại;
b) Vì lý do sức khỏe, có hồ sơ bệnh án được cấp bởi cơ quan y tế có thẩm quyền ở nước ngoài, trong nước (trong trường hợp về nước chữa bệnh), ghi rõ tình trạng bệnh không thể tiếp tục việc học tập ở nước ngoài;
c) Du học sinh bị mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định, có hồ sơ bệnh án được cấp bởi cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc từ trần."
Theo Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định 86/2021/NĐ-CP chưa quy định tiêu chí miễn bồi hoàn đối với du học sinh chưa hoàn thành khóa học có lý do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, về sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn. Nghị định quy định giao cho cơ quan quản lý trực tiếp (đối với du học sinh có cơ quan công tác) hoặc cơ quan cử đi học (xét đối với trường hợp không có cơ quan công tác) thực hiện.
Các cơ quan hiện chưa có căn cứ triển khai xét miễn bồi hoàn đối với đối tượng này. Việc đề nghị xét miễn bồi hoàn đối với đối tượng nêu trên vì lý do bất khả kháng mang tính nhân văn, trên nguyên tắc hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn về sức khỏe, kinh tế và đồng thời vẫn đảm bảo người học phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và phòng ngừa các trường hợp lạm dụng chính sách.
Về quy định thời gian hoàn trả kinh phí: Tại khoản 2, Điều 13 Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định du học sinh học bổng ngân sách nhà nước hoàn trả kinh phí 01 lần sau 120 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chi phí bồi hoàn gây khó khăn cho du học sinh về kinh tế, sức khỏe.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung gia đình du học sinh có trách nhiệm thực hiện chi trả chi phí bồi hoàn (có du học sinh đi học chưa có cơ quan công tác). Chi phí thu hồi theo quy định tại Nghị định nộp cho cơ quan cử đi học hoặc cơ quan quản lý trực tiếp, thực tế hiện nay nộp vào ngân sách nhà nước tại tài khoản thu ngân sách nhà nước của Kho bạc nhà nước. Do đó dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 2 Điều 13 như sau:
"b) Trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cử đi học, du học sinh thuộc diện bồi hoàn hoặc gia đình du học sinh có trách nhiệm nộp trả chi phí bồi hoàn. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo theo quyết định cử đi học;
c) Chi phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành;"
Lý do đưa ra đề xuất trên nhằm tăng thêm tính khả thi trong việc thu hồi chi phí bồi hoàn khi triển khai Nghị định và phù hợp quy định thu ngân sách nhà nước vì thực tế số tiền đào tạo nước ngoài khá lớn đối với trường hợp có chi trả học phí, sinh hoạt phí. Nếu yêu cầu du học sinh hoàn trả hết 01 lần rất khó khăn. Kinh phí cấp cho du học sinh học bổng đi học ở nước ngoài từ nguồn ngân sách nhà nước nên việc hoàn trả nộp cho Nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách.
Hiện du học sinh nộp bồi hoàn vào tài khoản của Kho bạc nhà nước.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật - hiện đang được lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PV