Đề xuất mua, bán vàng từ 20 triệu đồng/ngày phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng

Đề xuất mua, bán vàng từ 20 triệu đồng/ngày phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng
10 giờ trướcBài gốc
Muốn sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất việc thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên của một khách hàng phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và tài khoản thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, khi bán vàng nguyên liệu mua từ doanh nghiệp, ngân hàng thương mại quy định tại Điều 11a Nghị định này phải lập và sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật; lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu giao dịch bán vàng nguyên liệu; kết nối cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất mua, bán vàng từ 20 triệu đồng/ngày phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa: qdnd.vn
Điều 11a về điều kiện cấp giấy phép sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước dự thảo như sau:
1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
b) Có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
c) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
d) Có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.
2. Ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
b) Có vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng trở lên;
c) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
d) Có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.
Vàng miếng trong nước có lúc chênh 18 triệu đồng/lượng so với thế giới
Theo Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ cuối năm 2021. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014-2021, từ cuối năm 2021 đến tháng 4-2024, chênh lệch giá so với thế giới có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (~25%). Điều này có nguy cơ tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội; ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước chỉ nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giá ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới là do: Thứ nhất, giá vàng quốc tế tăng cao trong khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, bất động sản khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp…) đã làm tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng của người dân và doanh nghiệp, không loại trừ do yếu tố tâm lý và hiệu ứng từ truyền thông.
Thứ hai, từ 2014 đến trước năm 2024, Ngân hàng Nhà nước không cung thêm vàng miếng SJC ra thị trường. Thứ ba là có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng lợi dụng chức năng kinh doanh vàng để kinh doanh trái phép, hợp thức hóa vàng lậu/vàng tặc, trốn thuế, tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để đầu cơ trục lợi.
Có thời điểm giá vàng trong nước chênh lệch giá so với thế giới lên tới 18 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa: Kitco
Thông tin về việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau hơn 10 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, thị trường vàng trong nước bắt đầu bộc lộ một số vấn đề, như: Giá vàng miếng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế tại nhiều thời điểm; cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã bộc lộ một số hạn chế, như việc Ngân hàng Nhà nước đã từng phải sử dụng ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhà nước để nhập khẩu vàng nhằm can thiệp, bình ổn thị trường khi cần thiết…
Các tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của giá vàng thế giới tăng cao, trong khi đó các kênh đầu tư khác trong nước kém hấp dẫn làm tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng của người dân và doanh nghiệp;
Thứ hai, nguyên nhân từ các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng còn chưa đồng bộ: Mua vàng miếng cũng có thể coi là một hình thức đầu tư, tuy nhiên hoạt động mua, bán vàng miếng của cá nhân chưa bị đánh thuế làm tăng thêm nhu cầu đầu cơ vào vàng, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu chống “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân xuất phát từ một số quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tiễn, cần xem xét sửa đổi, bổ sung, như: Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Điều này khiến thị trường phụ thuộc vào nguồn cung từ Ngân hàng Nhà nước và dẫn tới bất cập về việc Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng nguồn lực từ dự trữ ngoại hối nhà nước để can thiệp, bình ổn thị trường vàng.
ĐỨC TUẤN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/de-xuat-mua-ban-vang-tu-20-trieu-dong-ngay-phai-thanh-toan-qua-tai-khoan-ngan-hang-836632