Đề xuất lộ trình mới áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới

Đề xuất lộ trình mới áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới
một giờ trướcBài gốc
Nâng mức tiêu chuẩn khí thải với xe mô tô
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên mức tiêu chuẩn khí thải (TCKT) như hiện tại đối với xe ô tô và xe gắn máy.
Cụ thể, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tiếp tục áp dụng TCKT Mức 5 trong thử nghiệm. Các loại xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu tiếp tục áp dụng TCKT Mức 4 trong kiểm tra theo quy định tại TCVN 6438:2018 "Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải".
Bộ GTVT đang xây dựng, lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp (ảnh minh họa).
Các loại xe gắn máy hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tiếp tục áp dụng TCKT Mức 2 trong thử nghiệm.
Đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và xe mô tô, Bộ GTVT đề xuất nâng mức TCKT theo lộ trình.
Cụ thể, các loại xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ sản xuất, lắp ráp tham gia giao thông áp dụng TCKT Mức 3 trong thử nghiệm và Mức 2 trong kiểm tra đối với ô tô quy định tại TCVN 6438:2018 "Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải" từ ngày 1/1/2028.
Các loại xe chở người bốn bánh có gắn động cơ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu tham gia giao thông áp dụng TCKT theo Mức 4 trong kiểm tra đối với ô tô quy định tại TCVN 6438:2018 "Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải" từ ngày 01/01/2028.
Các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải Mức 3 trong thử nghiệm từ ngày Quyết định này có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2027. Từ ngày 1/7/2027 phải áp dụng TCKT Mức 4 trong thử nghiệm.
Theo Bộ GTVT, hiện tại Việt Nam đang áp dụng TCKT Mức 5 đối với xe ô tô, là top đầu của ASEAN, vẫn đang phù hợp và chưa cần thiết phải nâng mức (ảnh minh họa).
Chưa cần thiết nâng mức tiêu chuẩn khí thải với xe ô tô
Theo Cục Đăng kiểm VN, đối với sản phẩm xe cơ giới sản xuất lắp ráp (SXRL) và nhập khẩu mới, việc áp dụng mức TCKT theo lộ trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực về việc giảm phát thải, thông qua việc cải tiến công nghệ động cơ, kết cấu hệ thống xử lý khí thải trên xe. Nhờ đó, chất lượng khí thải của xe cơ giới SXLR, nhập khẩu mới; xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu đã được nâng cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của xe điện đã, đang và sẽ góp phần mạnh mẽ làm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường.
Đối với xe ô tô, hiện tại Việt Nam đang áp dụng TCKT Mức 5, là top đầu của ASEAN, chỉ sau Singapore - nước không có ngành công nghiệp xe cơ giới.
Cục Đăng kiểm VN cho rằng, với sự chuyển biến mạnh mẽ sang xe ô tô điện như hiện nay, việc nâng mức lộ trình TCKT đối với xe ô tô lên Mức 6, Mức 7 là chưa cần thiết.
Chưa kể, để nâng cấp TCKT lên mức cao hơn đòi hỏi công nghệ khác hẳn so với hiện tại, các chi phí từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất phải đầu tư rất lớn, điều này có thể gây ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp sản xuất cũng như giá thành của ô tô.
Mặt khác, cơ quản quản lý, thử nghiệm cũng phải nâng cấp hệ thống thiết bị đầu tư rất lớn để đáp ứng, tuy nhiên, đánh giá hiệu quả đầu tư không cao, trong khi đó vẫn phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kiểm tra, thử nghiệm cho xe điện và xe sử dụng năng lượng xanh.
"Hiện có một số nước châu Âu đã nâng mức TCKT lên Mức 6 nhưng cũng đồng thời hạn chế các loại ô tô phát khí thải, sử dụng ô tô điện để giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường. Với bối cảnh này, Việt Nam cũng sẽ tiến tới hạn chế các loại ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích và chuyển đổi sang nhiên liệu xanh và phát triển sang xe ô tô điện như các nước phát triển trên thế giới hiện nay.
Với các lý do và tác động trên đối với xe ô tô, không yêu cầu phải nâng cao mức TCKT mà giữ nguyên mức TCKT như hiện tại", Cục Đăng kiểm VN nhìn nhận.
Về xe gắn máy, Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc nâng khí thải lên Mức 4 cho xe gắn máy để đáp ứng công nghệ rất khó khăn.
Thực tế một số nước ASEAN trước đây khi nâng mức khí thải lên Euro 4 cho xe mô tô xe gắn máy thì đa phần là không còn sản xuất xe gắn máy.
Hiện lượng xe gắn máy của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5-7% thị trường, trong bối cảnh xe điện hai bánh đang phát triển triển nhanh chóng về số lượng và tương lai sẽ tiến tới chuyển đổi thẳng lên xe điện; việc giữ nguyên TCKT Mức 3 đối với xe gắn máy là phù hợp.
Bộ GTVT cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định "Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp".
Để triển khai nội dung này, việc xây dựng và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp là cần thiết.
Đồng thời cũng phù hợp với "Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải" và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đưa mức phát thải ròng về "0" năm 2050.
Mặt khác, việc xây dựng và triển khai Quyết định mới cũng từng bước tiến tới hài hòa về mặt tiêu chuẩn khí thải với các nước trong khu vực và quốc tế và phù hợp với các Hiệp định hài hòa lẫn nhau với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thành viên như hiệp định UNECE 1958, APMRA, EVFTA, UKVFTA…
Yến Chi
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-lo-trinh-moi-ap-dung-muc-tieu-chuan-khi-thai-doi-voi-xe-co-gioi-192241004104848662.htm