Đề xuất quy định về chuyển nhượng vốn trường mầm non, trường phổ thông tư thục

Đề xuất quy định về chuyển nhượng vốn trường mầm non, trường phổ thông tư thục
2 giờ trướcBài gốc
Việc chuyển nhượng vốn phải bảo đảm sự ổn định, phát triển của cơ sở giáo dục; bảo đảm quyền lợi của người học
Dự thảo bổ sung 01 Chương (Chương IVa) vào sau Chương IV, quy định về việc chuyển nhượng vốn đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục, trường phổ thông tư thục nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 102 Luật Giáo dục. Cụ thể như sau:
Điều 10a quy định nguyên tắc chuyển nhượng vốn, trong đó xác định 4 nguyên tắc cốt lõi: phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp); bảo đảm sự ổn định, phát triển của cơ sở giáo dục; bảo đảm quyền lợi của người học và phải tuân thủ quy trình quy định tại Nghị định này.
Điều 10b quy định quy trình chuyển nhượng vốn đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường phổ thông tư thục, trong đó phân tách thành 2 trường hợp:
(i) Nhà đầu tư theo điểm a khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
(ii) Nhà đầu tư theo điểm b khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy trình quy định tại Dự thảo Nghị định. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện các bước trong quy trình như sau:
Thông báo về nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp: Hội đồng trường thông báo các điều kiện chuyển nhượng đến các nhà đầu tư còn lại (nếu có) và công khai với người lao động của nhà trường với cùng điều kiện. Thực hiện chuyển nhượng vốn theo thứ tự ưu tiên theo đối tượng (trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp). Nhà trường công khai danh sách nhà đầu tư nhận chuyển nhượng vốn. Nhà trường thông báo thông tin về nhà đầu tư mới nhận chuyển nhượng với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp.
Dự thảo quy định rõ trường hợp chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, sau khi hoàn tất quy trình chuyển nhượng vốn, cơ sở giáo dục phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh, bổ sung quyết định cho phép hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Quy định như trên nhằm xác định rõ loại hình trường hình thành sau chuyển nhượng vốn, vừa đảm bảo minh bạch thủ tục hành chính yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện, vừa thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương.
Điều 10c quy định quy trình chuyển nhượng vốn của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập theo hướng giao Hội đồng trường xây dựng phương án chuyển nhượng vốn và phải lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng dân cư thành lập trường và người góp vốn xây dựng, duy trì hoạt động nhà trường.
Do tính chất đặc thù, đặc biệt của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập (cơ sở giáo dục mầm non dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động), dự thảo quy định theo hướng việc chuyển nhượng vốn chỉ thực hiện trong trường hợp được sự đồng thuận của tất cả cá nhân, tổ chức trong cộng đồng dân cư thành lập trường và người góp vốn xây dựng, duy trì hoạt động của nhà trường. Quy trình chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Sau khi hoàn thành quy trình chuyển nhượng vốn sau thời hạn quy định, cơ sở giáo dục mầm non phải kiện toàn Hội đồng trường, thông báo với Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở chính về phương án quản lý tài chính, tài sản của nhà trường sau khi chuyển nhượng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-chuyen-nhuong-von-truong-mam-non-truong-pho-thong-tu-thuc-102241008160123633.htm