Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, Công an Nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, do Bộ Quốc phòng soạn thảo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các học viên Học viện Quân y. (Ảnh: VGP)
Bộ Quốc phòng cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an Nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; dân quân thường trực tăng dần theo thời gian.
Cụ thể, dự thảo Nghị định nêu rõ: "Hai năm đầu đóng bằng 2 lần mức tham chiếu, sau đó cứ mỗi năm tiếp theo tăng thêm 0,5 lần mức tham chiếu, tối đa bằng 4 lần mức tham chiếu".
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ 1/7) quy định, mức tham chiếu là mức tiền được quyết định dùng để tính mức đóng, hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, mức tham chiếu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 nêu rõ, nếu lương cơ sở chưa được bãi bỏ thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Khi lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Như vậy, mức tham chiếu hiện hành là 2.340.000 đồng.
Với đề xuất của Bộ Quốc phòng, tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong hai năm đầu là 4.680.000 đồng/tháng, mỗi năm sau đó tăng thêm 1.170.000 đồng/tháng, nền đóng tối đa không quá 9.360.000 đồng/tháng. Khoản tiền trên được tính toán trong trường hợp tham chiếu giữ nguyên; tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách hàng năm mà Chính phủ sẽ điều chỉnh.
Cơ quan soạn thảo đánh giá, việc tăng dần mức đóng lên tối đa 4 lần mức tham chiếu phù hợp với đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ đào tạo chuyên ngành thời gian dài (5-7 năm) như quân y, phi công… nhưng vẫn bảo đảm không cao hơn hệ số của sĩ quan khi ra trường (4,2).
Đồng thời, cũng phản ánh mức đóng tương ứng với tính chất lao động đặc thù quân sự (tương đương lương tối thiểu vùng 1).
Mặt khác, Bộ Quốc phòng cho rằng, theo cách tính bình quân tiền lương để tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội thì những người có thời gian là hạ sĩ quan, binh sĩ... sẽ chịu tác động lớn khi bắt đầu tham gia từ ngày 1/1/2016 trở đi (vì khi tính bình quân tiền lương bao gồm cả thời gian là hạ sĩ quan, binh sĩ mức đóng là 1,0).
Căn cứ và cơ sở đề xuất phương án này cũng xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhấn mạnh việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng. Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ với lực lượng vũ trang luôn được ưu tiên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng đặc thù này.
"Do đó, mục tiêu xây dựng phương án là để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội dài hạn cho các đối tượng, đặc biệt là khi họ chuyển ngành hoặc về hưu", Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Anh Văn