Kiến nghị về phát triển điện mặt trời mái nhà nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung được nêu ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều ngày 31-3.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, năng lượng là huyết mạch cho phát triển kinh tế - xã hội, và là yếu tố then chốt và quyết định phát triển của quốc gia.
Thời gian qua, chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện quan điểm năng lượng cần đi trước một bước.
Trong bối cảnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần thống nhất chủ trương tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận, đảm bảo vững chắc cho an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững đất nước.
Xây dựng thể chế, ban hành Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đưa ra định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, dự báo nhu cầu điện được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng hai con số giai đoạn 2026-2003.
Nhằm đảm bảo đủ nguồn cấp điện trong trường hợp một vài dự án nguồn điện nền lớn bị chậm, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII tăng thêm quy mô điện mặt trời và điện gió. Các nguồn năng lượng tái tạo (không gồm thủy điện) chiếm từ 28%-36% vào năm 2030.
Đáng chú ý, ông Tuấn đặt ra giả thiết trung bình quy mô mỗi dự án điện mặt trời và điện gió trên bờ là 50 MW, điều này cho thấy số lượng dự án điện mặt trời và điện gió dự kiến xây dựng trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII rất lớn.
Số lượng gồm: 400-600 dự án điện gió; 600 - 1.100 dự án điện mặt trời. Điều này cần nhiều nhân lực cho công tác chọn nhà đầu tư, xét duyệt, quản lý nghiệm thu dự án tại địa phương.
Theo đó, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị với điện mặt trời mái nhà quy mô nhỏ cần có thêm chính sách khuyến khích về bán điện dư.
Tại Nghị định 58 hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 3-3-2025, Chính phủ quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất - tiêu thụ không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia, tối đa 20% công suất lắp đặt thực tế.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gợi ý giải quyết nhanh, dứt điểm và hợp lý hợp tình với các dự án năng lượng tái tạo có vướng mắc về thủ tục đầu tư trong giai đoạn được hưởng biểu giá điện hỗ trợ (giá FiT) và chậm giá FiT, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Để giảm gánh nặng đàm phán giá điện của EVN với từng dự án điện năng lượng tái tạo trong khi số lượng dự án sẽ lớn, có thể xem xét áp dụng cơ chế FiT linh hoạt với từng vùng miền khác nhau, thời hạn hưởng FiT ngắn hơn.
Theo ông Nguyễn Phan Đính, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh, EuroCham Việt Nam, để phát triển được hàng trăm dự án năng lượng tái tạo điện gió, mặt trời cần phải có khung pháp lý rõ ràng, sự hướng dẫn tích cực từ cơ quan nhà nước đến tỉnh thành để "người đầu tư chỉ đầu tư chứ không phải chạy đi tìm hiểu quy định".
Lê Thúy