Thực tế, không ít phương tiện – đặc biệt là xe máy – thường quay đầu ngay cả khi đèn đỏ, với lý do cho rằng tín hiệu mũi tên rẽ trái chỉ cấm rẽ, không cấm quay đầu. Vậy trong trường hợp này, những người tham gia giao thông đường bộ cần hiểu thế nào cho đúng?
Quy định về đèn tín hiệu giao thông mới nhất
Theo Điều 10 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy chuẩn đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng ba loại màu tín hiệu: xanh, vàng và đỏ; chủ yếu có dạng hình tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang, có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian.
Đèn đỏ hình mũi tên thường được kết hợp với đèn tín hiệu chính để điều tiết các hướng di chuyển của phương tiện. Ảnh: Ngô Minh
Người tham gia giao thông đường bộ cần phải chấp hành như sau:
- Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
- Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
- Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi: Báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Vị trí đặt đèn tín hiệu gần nhất theo chiều đi coi như là vạch dừng.
Vì vậy, nếu quay đầu xe và vượt quá đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông đang màu đỏ hoặc vượt quá vạch dừng chờ đèn đỏ sẽ là hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Có thể quay đầu nếu không vi phạm đèn chính
Tuy nhiên, anh Khúc Cao Thế - giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm ở Long Biên (Hà Nội) dẫn chứng, căn cứ Mục A1 Phụ lục A QCVN 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông hiện nay đang được phân loại thành 9 dạng.
Trong đó, dạng 1 (dạng đèn thường dùng, có 3 đèn tín hiệu xanh - vàng - đỏ, ngoài đèn chính còn đèn mũi tên báo hiệu cho phép xe đi thẳng hoặc rẽ trái, rẽ phải, quay đầu) và dạng 2 (các kiểu đèn ba màu hình mũi tên nhằm điều khiển các phương tiện theo các hướng cụ thể) là hai dạng đèn tín hiệu giao thông mà người tham gia giao thông hay bắt gặp nhất.
Đèn tín hiệu giao thông hiện tại có 9 dạng nhưng dạng 1 và 2 là phổ biến nhất. Ảnh: CAHP
Đáng chú ý, với đèn tín hiệu giao thông dạng 2 điều khiển các phương tiện đi theo các hướng cụ thể, Điều 10.4.4 của QCVN 41:2019/BGTVT ghi rất rõ khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên. Những nơi bố trí mũi tên màu đỏ cần bố trí làn chờ cho các xe đi hướng đang có đèn màu đỏ.
"Như vậy, hướng mũi tên là hướng rẽ trái, trong khi hướng quay đầu xe là hướng khác với mũi tên nên theo luật là không bị cấm. Với trường hợp trên, nếu muốn cấm cả quay đầu xe thì phải bố trí thêm đèn đỏ mũi tên cấm quay đầu hoặc có thể đặt biển báo số P.124a/b (Cấm quay đầu xe)", vị thầy giáo dạy lái xe này nhấn mạnh.
Lưu ý trước khi quay đầu xe, người điều khiển phương tiện cần chú ý quan sát các phương tiện ở hướng ngược lại, chỉ khi nào đủ an toàn, không có sự xung đột giữa các làn mới tiến hành cho phương tiện quay đầu.
Ngoài ra, anh Khúc Cao Thế còn nói thêm một trường hợp khác, nếu khu vực quay đầu xe chưa đến vạch dừng chờ đèn đỏ hoặc cách xa vị trí đèn tín hiệu giao thông, các phương tiện hoàn toàn có thể quay đầu xe hợp pháp mà không phải lo bị CSGT xử phạt.
Ngô Minh