Đến Trường Sa thêm mến yêu Tổ quốc

Đến Trường Sa thêm mến yêu Tổ quốc
2 ngày trướcBài gốc
Cảm xúc chuyến hải trình đặc biệt
Đoàn công tác số 5 chúng tôi quy tụ cán bộ, giảng viên, học viên từ nhiều học viện, nhà trường trong Quân đội, cùng các đồng chí cán bộ thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân Việt Nam và Quân chủng Hải quân... Đồng hành cùng đoàn là con tàu KN-390 hiện đại, vững chãi, như một biểu tượng cho tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Tôi hiểu rằng, hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, mục tiêu trọng tâm mà đoàn hướng tới là nghiên cứu, học tập thực tiễn công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tìm hiểu đời sống, điều kiện sinh hoạt, huấn luyện và công tác sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Qua đó, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin, nâng cao bản lĩnh chính trị và tình yêu biển đảo quê hương cho thành viên đoàn, nhất là cho học viên trẻ.
Lãnh đạo Vùng 3 Hải quân, các đại biểu chuyến công tác với chỉ huy đảo Thuyền Chài. Ảnh: HẢI QUÂN
Từ đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Phan Vinh đến Tốc Tan, Thuyền Chài..., mỗi hòn đảo, mỗi điểm tựa tiền tiêu đều mang đến cho chúng tôi những cảm nhận sâu sắc và những bài học thực tiễn vô giá. Sự hùng vĩ của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, màu xanh diệu kỳ của biển cả hòa quyện với màu xanh kiên trung của những người lính đảo in đậm trong tâm trí chúng tôi. Hơn cả những thước phim hay trang sách, những khó khăn và sự hy sinh thầm lặng nhưng lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 đã chạm đến sâu thẳm tâm hồn các đại biểu trong đoàn công tác trong suốt chuyến hải trình.
Tại các đảo, đoàn công tác tổ chức những buổi gặp mặt thân tình, chương trình giao lưu văn nghệ ấm cúng, trao tặng những món quà tuy nhỏ bé về vật chất nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao từ đất liền. Những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt, nụ cười chất chứa yêu thương, những bó hoa tươi thắm được trao đi... Tất cả như tiếp thêm nguồn động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tiếp tục chắc tay súng, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Giữa biển khơi mênh mông, trong tiếng sóng vỗ rì rào và làn gió mang vị mặn mòi của biển, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, thả vòng hoa tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu. Khoảnh khắc ấy, ai cũng trào dâng niềm niềm xúc động và lòng biết ơn vô hạn.
Không chỉ có các hoạt động trên đảo, hành trình trên con tàu KN-390 cũng là những ngày đầy ắp kỷ niệm. Tôi đặc biệt ấn tượng với cuộc thi "Tìm hiểu về biển đảo Tổ quốc và Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng". Những câu hỏi sâu sắc, những phần trả lời thông minh của đội ngũ học viên trẻ đã cho thấy sự hiểu biết và lòng yêu nước của thế hệ tương lai. Rồi các hoạt động văn hóa, thể thao như thi đấu cờ tướng, cờ vua, hay chương trình "Trình diễn trang phục từ rác thải tái chế" đầy sáng tạo, thể hiện ý thức bảo vệ môi trường biển đảo. Tôi đã đọc những câu thơ viết vội trên boong tàu khi hoàng hôn buông xuống, nghe những khúc hát về người lính biển được cất lên mộc mạc mà hào sảng... Những tác phẩm ấy, dù có thể chưa trau chuốt, nhưng chứa đựng trọn vẹn niềm tin, lòng yêu nước và khát vọng cống hiến của các đại biểu trong chuyến công tác đặc biệt này.
Nghĩa thầy trò giữa biển trời Trường Sa
Trong chuyến hải trình đặc biệt này, tôi gặp lại Đào Xuân Nam, học viên khóa 69, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tôi vẫn nhớ cậu học viên năng nổ, có tư duy lý luận sắc bén ngày nào và tự hỏi không biết giờ đây em đã thay đổi ra sao sau bao năm tôi luyện giữa trùng khơi. Bước xuống tàu, giữa những người lính đảo rắn rỏi, tôi nhận ra Nam ngay. Nước da sạm đi vì nắng gió Trường Sa, khuôn mặt ánh lên sự cương nghị và nụ cười vẫn ấm áp như xưa. "Thầy! Em chào thầy!". Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài bước nhanh tới, giơ tay chào theo điều lệnh, giọng xúc động. "Nam đấy ư? Thầy nhận ra em rồi! Trưởng thành quá, vững vàng quá!". Tôi nắm chặt tay người học trò, thể hiện niềm tự hào với cậu học trò thông minh, lanh lợi ngày nào.
Trong phòng chỉ huy đơn sơ nhưng ngăn nắp trên đảo Thuyền Chài, thầy trò chúng tôi ngồi bên nhau. Nam pha trà mời tôi, rồi thông tin những nét chính về tình hình đơn vị. Tôi lắng nghe, ánh mắt ánh lên niềm vui khi thấy người học trò năm nào giờ đây đã trở thành người chỉ huy bản lĩnh, quán xuyến nhiệm vụ trên hòn đảo tiền tiêu này.
Nam chia sẻ: "Những bài giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối quân sự của Đảng, về xây dựng bản lĩnh chính trị cho người quân nhân cách mạng mà thầy truyền dạy, chúng em vẫn luôn khắc ghi và vận dụng vào thực tiễn công tác nơi đây, thầy ạ. Giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, nền tảng lý luận ấy là kim chỉ nam, là sức mạnh tinh thần để chúng em vững bản lĩnh, chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Tôi gật đầu, lòng ấm áp và hiểu rằng, những kiến thức lý luận không còn là những khái niệm khô khan trên giảng đường, mà đã thực sự trở thành niềm tin, thành ý chí và hành động cụ thể của những người lính nơi đầu sóng. Cuộc gặp gỡ này, những gì mắt thấy tai nghe trên hải trình này giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn giá trị to lớn, thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc, thêm ngưỡng mộ và trân trọng những người lính biển bản lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tôi nói với Đào Xuân Nam: "Nhìn thấy các em kiên cường bám trụ, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, thầy và đoàn công tác rất tự hào. Chuyến đi này giúp thầy có thêm nhiều tư liệu thực tiễn quý báu. Trở về, thầy sẽ tiếp tục truyền dạy, giáo dục cho các thế hệ học viên về Trường Sa, về những người lính như các em, để thế hệ trẻ - thế hệ tương lai hiểu rõ hơn, yêu hơn quê hương, đất nước mình và ý thức rõ hơn trách nhiệm của người sĩ quan tương lai"...
Khi hoàng hôn dần buông cũng là lúc tàu phải rời cảng Thuyền Chài, hình ảnh Trung tá Đào Xuân Nam cùng đồng đội nghiêm trang vẫy chào từ đảo cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Chuyến đi khép lại, nhưng tinh thần Trường Sa, hình ảnh Nhà giàn DK1, hình bóng người lính hải quân hiên ngang giữa trùng khơi vẫn còn đọng mãi. Đây không chỉ là chuyến công tác mà còn là chuyến đi của trái tim, hun đúc thêm tình yêu Tổ quốc. Trường Sa, nhà giàn DK1 mãi mãi là biểu tượng thiêng liêng, là nơi mỗi người lính chúng tôi luôn hướng về với tất cả niềm tự hào và trách nhiệm.
Đại táLÊ NGỌC KHUYẾN, Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/den-truong-sa-them-men-yeu-to-quoc-835354