Đến với bài thơ hay: Nỗi lòng người xa xứ

Đến với bài thơ hay: Nỗi lòng người xa xứ
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: INT
Trần Đức Tín
Trăng quê
trăng quê mình đã thay đổi phải không em
để con nước mình ên biếng ròng biếng lớn
ngày mẹ đi ra đồng sau hun hút
con chim sẻ khờ bươi nát ổ rơm khô
chúng mình lớn theo câu đò đưa gãy nhịp
chiếc cầu tre cũng bỏ xóm đi hoang
từng dòng người di cư
di cư giữa lòng sông tháng hạn
quê biết mình nghèo
trốn sau nhánh trăng tàn
chúng con: bọn bỏ quê
mót trăng trên đại lộ
đội lên đầu
rồi đấm ngực mình
trăng quê mình mắc cạn ở sau lưng
có bụi lục bình trôi vào áo mẹ tôi rồi bật khóc
chiếc áo màu nâu lặng câm như tràng hạt
bay ra đồng rồi củi lửa lưng trời
chúng con: bọn bỏ quê
quê trôi trên đầu
quê bạc theo tóc
trong đau đớn kiệt cùng
trăng gọi mẹ bằng một tiếng chuông hoang.
(Theo báo Đà Nẵng Cuối tuần ra ngày 10/9/2022)
Để rồi, khi đi xa, mỗi mùa trăng đến, trăng như người tri âm tri kỷ, cùng gợi thức những hoài niệm thân thương. Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín (bút danh Khét) đã tựa hồn vào trăng để giãi bày, gửi gắm nỗi lòng của người con xa xứ.
Câu thơ mở đầu: “trăng quê mình đã thay đổi phải không em/ để con nước mình ên biếng ròng biếng lớn” thể hiện ngay thiện cảm. Hỏi đấy. Rồi tự trả lời đấy. Và xem như lời tâm giao, gợi nhớ về cố xứ thân thương.
Lúc đầu, tôi thấy từ “mình ên” hơi lạ, nên không rõ lắm về ý tứ của câu thơ. Thì ra, “mình ên” là phương ngữ Nam Bộ, có nghĩa là một mình, nhưng nhấn mạnh đến sắc thái cô đơn, lẻ loi. Thế rồi, câu thơ “để con nước mình ên biếng ròng biếng lớn” với thủ pháp nhân hóa đã nâng lên tầng nấc đầy tâm trạng! Và câu thơ trở nên tài hoa nhờ vào hai từ“mình ên”.
Hiện tượng thủy triều phụ thuộc vào Mặt trăng, thông qua lực hấp dẫn của nó. Những người sống nơi miền sông nước, theo kinh nghiệm dân gian, thường đoán định được thủy triều dựa vào chu kỳ trăng. Ở đây lại có sự thất thường: “trăng quê mình đã thay đổi phải không em”. Vì sao vậy? Do nhiều yếu tố, trong đó có sự biến đổi khí hậu, môi trường chăng!
Trong ngữ cảnh bài thơ, có lẽ tác giả không bàn đến yếu tố thiên văn, thủy văn mà nói đến tâm trạng cảm xúc. Vì người và cảnh bao giờ cũng có mối quan hệ do sự chi phối của con tim: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Chính vì vậy mới nhìn con sông quê với tâm trạng man mát, buồn thương: “biếng ròng biếng lớn”. Điều này lại được rõ hơn khi đọc đến những câu thơ tiếp theo:
“ngày mẹ đi ra đồng sau hun hút
con chim sẻ khờ bươi nát ổ rơm khô”
Từ láy “hun hút” đã chạm đến trái tim người đọc, khi nói về mẹ. Nó gợi nên sự trống vắng, chia lìa không thể nào gặp lại, khi người mẹ hiền đã đi về cõi thiên thu tịch lặng, bỏ lại đứa con thơ dại thiếu tình mẫu tử thiêng liêng. Tác giả còn dùng thủ pháp ẩn dụ, chỉ để gợi mà không tả nhưng nói lên được nỗi quặn thắt của đứa trẻ mồ côi. Có phải vì thế mà câu thơ bị ngắt ra, rơi nhịp, bi thương như nỗi lòng của thi nhân cũng đang đứt đoạn!
Đấy là nỗi lòng của người con mất mẹ. Còn không gian chung của miền sông nước nơi đây thì sao nhỉ? Ta hãy lắng nghe tác giả thốt lên bằng những ngôn từ dung dị, mà không thể kìm nén hết nỗi niềm:
“chúng mình lớn theo câu đò đưa gãy nhịp
chiếc cầu tre cũng bỏ xóm đi hoang
từng dòng người di cư
di cư giữa lòng sông tháng hạn”
Trước sự biến đổi khắc nghiệt của tự nhiên, thì cuộc sống cũng thay đổi. Thay đổi là quy luật của cuộc sống và vũ trụ. Và con người phải đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là bản năng vốn có. Nhưng ai mà chẳng ngậm ngùi khi nhìn cảnh ly hương: “từng dòng người di cư/ di cư giữa lòng sông tháng hạn” - bỏ lại phía sau lưng họ là cội nguồn xứ sở, nơi đã hun đúc nên biết bao ký ức ngọt ngào. Câu thơ thật hay, vừa giàu hình ảnh, lại đầy tâm trạng, dễ lay thức trái tim người đọc. Nó còn phản ánh sự tác động của biến đổi khí hậu.
Quê hương, vốn dĩ bao giờ cũng độ lượng bao dung. Nhưng, trước sự bất lực của mình, cũng đành ngậm ngùi với tấm lòng cố hương tiễn biệt:
“quê biết mình nghèo
trốn sau nhánh trăng tàn”
Trong dòng người di cư ấy, họ không oán trách, không vong bạc quê hương. Họ luôn tỏ lòng khiêm cung, hướng về nguồn cội:
“chúng con: bọn bỏ quê
mót trăng trên đại lộ
đội lên đầu
rồi đấm ngực mình
quê trôi trên đầu
quê bạc theo tóc”
Trong cách xưng hô với những người cùng lứa, họ gọi nhau bằng “mình”, “chúng mình”. Nhưng đối với quê nhà lại xưng “chúng con”, rồi “mót trăng/…/ đội lên đầu” và “quê trôi trên đầu/ quê bạc theo tóc” đã thể hiện tấm lòng trân quý, vấn vương, chung thủy với quê hương biết nhường nào! Bên cạnh nghĩa cử cao đẹp đó là sự thề nguyền để hẹn ước, luôn phấn đấu vươn lên và hướng về cố xứ thân thương, thông qua cách nói ẩn dụ “đấm ngực mình” tưởng chừng trơ trẽn, nhưng lại rất chân tình.
Tác giả dẫn dắt người đọc đi từ mặc tưởng trang nghiêm, rồi trở về với cảm nhận riêng mình như một sự phản tỉnh, đánh thức chính mình mà ai cũng cần trong việc hình thành chiều sâu nội tại. Nó phản ánh thái độ sống, thái độ ứng xử trước nhân thế, cùng nỗi vấn vương, hoài niệm. Đấy là chiều sâu của nhân cách sống,:
“trăng quê mình mắc cạn ở sau lưng
có bụi lục bình trôi vào áo mẹ tôi rồi bật khóc
chiếc áo màu nâu lặng câm như tràng hạt
bay ra đồng rồi củi lửa lưng trời”
Những hình ảnh gần gũi, thân thương được tác giả xếp cạnh nhau như: Trăng quê, bụi lục bình, chiếc áo màu nâu, tràng hạt, củi lửa… Chúng hòa quyện trong một trường cảm xúc mạnh mẽ nhất quán. Những hình ảnh tưởng chừng giản đơn, nhưng chứa đựng ý nghĩa phổ quát được sắp xếp trong mạch thơ trải rộng, giàu liên tưởng. Từ đó lôi cuốn người đọc tự tạo cho mình một hệ quy chiếu, rồi tự liên tưởng theo chiều kích hướng thượng riêng mình. Sáng tạo ra những hình tượng thơ như thế, đòi hỏi người viết phải có một nghệ thuật nhất định.
Hình tượng người mẹ trong bài thơ được nhắc đến ba lần, nhưng ẩn trong câu chữ ta có cảm giác nhiều hơn thế nữa. Bởi mẹ vừa là biểu tượng riêng, vừa là biểu tượng của nguồn cội quê hương, là nơi ta nương tựa lúc cô đơn, nơi cố hương tiễn biệt và nơi để ta quay về:
“trong đau đớn kiệt cùng
trăng gọi mẹ bằng một tiếng chuông hoang”.
Trăng gọi mẹ, hay nỗi lòng người con xa xứ gọi mẹ, gọi quê hương! Mẹ và quê hương luôn là niềm khắc khoải khôn nguôi của người con xa xứ. Cứ vang vọng, cứ miên man như tiếng chuông chùa ngân rung bao điều vi tế. Và trong dòng đời khắc nghiệt, tiếng chuông ấy tưởng chừng vô định, cứ văng vẳng bên ta cùng nỗi lòng khó tả.
Bài thơ khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi. Bởi nó mang đến cho người đọc thông điệp luôn trân trọng quá khứ, trân quý quê hương và thủy chung với kỷ niệm. Đồng thời bài thơ còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, cùng với tác động của biến đổi khí hậu.
Bùi Huyền Tương (Giáo viên Trường THCS Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-noi-long-nguoi-xa-xu-post702726.html