Theo thông tin từ website Trường Đại học Y Hà Nội, trường mang sứ mạng không ngừng phấn đấu tạo ra các sản phẩm đào tạo, khoa học công nghệ và dịch vụ y tế tinh hoa, xứng đáng với truyền thống lịch sử hơn một thế kỷ phụng sự dân tộc. Trường có mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu ngang tầm với các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á.
Đến nay, Trường Đại học Y Hà Nội có hơn 120 năm phát triển. Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Thành Văn là Chủ tịch Hội đồng trường và Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tú là Hiệu trưởng nhà trường.
Trụ sở chính của Trường Đại học Y Hà Nội có địa chỉ tại số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Khuôn viên trụ sở chính của Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.
Thiếu công khai nguồn thu từ nghiên cứu khoa học
Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/03/2024 và bắt đầu được áp dụng từ năm 2025. Trong đó, chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, bao gồm: Tổ chức và quản trị; giảng viên; cơ sở vật chất; tài chính; tuyển sinh và đào tạo; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Đối sánh trong báo cáo ba công khai ba năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024 cho thấy, tổng thu của Trường Đại học Y Hà Nội luôn có tăng trưởng. Tuy nhiên, nhà trường không công bố nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đều đặn hàng năm.
Cụ thể, trong Báo cáo Công khai tài chính năm học 2021-2022, Trường Đại học Y Hà Nội có tổng nguồn thu 343.658 tỷ đồng, trong đó có 131.208 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xấp xỉ nguồn thu từ học phí (135.65 tỷ đồng). Đây là một con số rất ấn tượng.
Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2021 của Trường Đại học Y Hà Nội rất cao. Ảnh chụp màn hình Báo cáo Công khai tài chính năm học 2021-2022 của nhà trường.
Đến năm học 2022-2023, Trường Đại học Y Hà Nội báo cáo tổng nguồn thu 397 tỷ đồng, tăng 15,52% so với năm 2021. Tuy nhiên, trường lại không công bố nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Y Hà Nội báo cáo tổng thu đạt 440.939 tỷ đồng, tăng 11,07% so với năm 2022, tiếp tục bỏ trống nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trường Đại học Y Hà Nội không công bố nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ảnh chụp màn hình Báo cáo Công khai tài chính năm học 2023-2024 của nhà trường.
Phóng viên chưa tìm thấy Báo cáo thường niên năm 2024 của Trường Đại học Y Hà Nội. Khi truy cập vào phần Công khai thông tin năm học 2024-2025 trên website nhà trường chỉ thấy tài liệu của năm 2023-2024.
Về chuẩn giảng viên, theo thông tin công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024, Trường Đại học Y Hà Nội có 357 giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số 852 giảng viên, trong đó có 18 giáo sư, 133 phó giáo sư. Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là 41,9%.
Tỷ lệ này đáp ứng Tiêu chí 2.1 của Thông tư 01: Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.
Dù vậy, Tiêu chí 2.2. quy định: Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%. Trong Báo cáo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024, nhà trường không công khai độ tuổi hay năm sinh của giảng viên. Do đó, không rõ nhà trường có đạt chuẩn theo Tiêu chí 2.2. hay không.
Công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Y Hà Nội chỉ gồm tên, giới tính, chức danh, trình độ đào tạo và chuyên ngành giảng dạy. Ảnh chụp màn hình trong Báo cáo công khai năm học 2023-2024.
Về Chuẩn cơ sở vật chất, Tiêu chí 3.1 của Thông tư số 01 quy định: Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2. Trong đó, hệ số vị trí của khuôn viên bằng 2,5 đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và bằng 1 đối với các khu vực còn lại.
Trong thông tin công khai về cơ sở vật chất năm học 2023-2024 của Trường Đại học Y Hà Nội, tổng diện tích đất cơ sở đào tạo quản lý sử dụng là 183.916m2, trong đó trụ sở chính ở số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội rộng 107.149m2 và 7 phân hiệu/cơ sở khác ở các quận nội thành Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh. Trường báo cáo tỷ lệ đất/sinh viên là 14,25m2.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu: "...chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật".
Ba năm liền không có sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc
Cũng theo Báo cáo thường niên của Trường Đại học Y Hà Nội vào năm 2023, quy mô sinh viên hiện tại của trường gồm 6218 sinh viên hệ chính quy, 715 sinh viên hệ vừa học vừa làm, 1136 thạc sĩ, 442 tiến sĩ, chưa kể hàng nghìn bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2 đang học tập, nghiên cứu tại nhà trường.
Dù các ngành của trường đều có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp rất cao (90-98%), nhưng số sinh viên có bằng tốt nghiệp loại Giỏi trở lên rất thấp.
Trong báo cáo Công khai chất lượng đào tạo thực tế, năm học 2023-2024, trường không có sinh viên nào tốt nghiệp loại Xuất sắc. Một số ngành như Cử nhân Điều dưỡng, Cử nhân Y tế công cộng, Cử nhân Khúc xạ nhãn khoa không có sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2021 đến nay, trường không có sinh viên tốt nghiệp loại Xuất sắc.
Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2023, ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến tuyển sinh thêm phương thức kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ ngoại ngữ Anh – Pháp (chứng chỉ ngoại ngữ là điều kiện sơ tuyển). Trước đó, ngành chỉ tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển thẳng và xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, trong năm đầu tiên tuyển sinh, chỉ có 4 thí sinh nhập học bằng phương thức này, khá khiêm tốn so với chỉ tiêu 40 sinh viên. Trong khi đó, những ngành tuyển sinh kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ khác như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt đều tuyển đủ chỉ tiêu.
Ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có phương thức tuyển sinh kết hợp chỉ tuyển được 4 thí sinh, trong khi phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại tuyển vượt 29 chỉ tiêu. Ảnh chụp màn hình Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Y Hà Nội.
Dù vậy, đến năm 2024, nhà trường vẫn dành 40 chỉ tiêu cho ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến tuyển sinh bằng phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, lấy điểm chuẩn 21,75, thấp hơn so với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (24,59 điểm).
Để giải đáp những nội dung còn chưa rõ trong báo cáo của nhà trường, phóng viên đã gửi câu hỏi đến trụ sở chính của Trường Đại học Y Hà Nội vào ngày 20/03/2025. Ngày 01/04/2025, Phòng Truyền thông của Trường Đại học Y Hà Nội gửi email thông báo: “Phòng truyền thông đã chuyển thư đến thầy/cô Ban Giám hiệu”.
Tuy nhiên cho đến nay, phóng viên chưa nhận được câu trả lời từ Trường Đại học Y Hà Nội.
Trần Trang