Rò rỉ kế hoạch tấn công Houthi qua nhóm Signal lần 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 13/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tờ The New York Times dẫn 4 nguồn thạo tin tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã chia sẻ chi tiết các cuộc tấn công sắp tới ở Yemen vào ngày 15/3 trong một nhóm chat Signal riêng tư gồm vợ, anh trai và luật sư riêng.
Các nguồn tin cho biết, thông tin ông Hegseth chia sẻ trong nhóm chat Signal này bao gồm cả lịch trình bay của tiêm kích F/A-18 Hornet nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen. Về cơ bản, đây là những kế hoạch tấn công tương tự như nội dung ông đã chia sẻ trong một nhóm chat Signal khác cùng ngày, mà trong đó có sự tham gia vô tình của Tổng Biên tập tạp chí "The Atlantic" là ông Jeffrey Goldberg.
Bà Jennifer, vợ ông Hegseth, là cựu nhà sản xuất của Fox News và không phải nhân viên Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, bà từng tháp tùng ông trong các chuyến công du nước ngoài và đã bị chỉ trích vì tham dự các cuộc họp nhạy cảm với lãnh đạo nước ngoài cùng chồng.
Anh trai ông Hegseth là Phil và luật sư riêng Tim Parlatore cũng làm việc tại Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vì sao họ lại cần được biết chi tiết về các cuộc tấn công quân sự sắp tới nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen.
Việc lộ ra nhóm chat Signal thứ hai nơi ông Hegseth chia sẻ thông tin quân sự tối mật là diễn biến mới nhất khiến năng lực quản lý và khả năng phán đoán của vị bộ trưởng bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng.
Khác với nhóm chat có sự tham gia tình cờ của nhà báo Jeffrey Goldberg, nhóm chat vừa bị lộ này do chính ông Hegseth lập ra. Theo các nguồn tin, nhóm có tên "Defense | Team Huddle", được tạo vào tháng 1 (trước khi ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng), bao gồm vợ ông và khoảng một chục người thân cận trong công việc lẫn đời tư. Ông Hegseth đã dùng điện thoại cá nhân, không phải điện thoại công vụ, để truy cập nhóm chat Signal này.
Việc vợ, anh trai và luật sư riêng vẫn có mặt trong nhóm chat này sau khi ông Hegseth nhậm chức Bộ trưởng - dù họ không có lý do chính đáng nào để biết chi tiết về một chiến dịch quân sự đang diễn ra - chắc chắn sẽ làm dấy lên thêm nghi vấn về việc ông tuân thủ các quy tắc bảo mật.
Rò rỉ kế hoạch tấn công Houthi qua nhóm Signal lần 1
Hình ảnh máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ bị lực lượng Houthi bắn hạ tại tỉnh Sanaa, ngày 19/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, nhóm chat đầu tiên bị The Atlantic phanh phui hồi tháng 3, do Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz lập ra. Mục đích là để các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump – như Phó Tổng thống, Giám đốc Tình báo Quốc gia và ông Hegseth – có thể phối hợp cùng các cấp dưới trước các cuộc tấn công của Mỹ.
Ông Waltz đã nhận trách nhiệm về việc vô tình thêm ông Jeffrey Goldberg, Tổng Biên tập The Atlantic, vào nhóm chat. Ông đặt tên nhóm là "Houthi PC small group" – trong đó "PC" là viết tắt của "Principals Committee" (Ủy ban Nguyên tắc), ám chỉ sự tham gia của các thành viên ủy ban cấp cao này của chính quyền, nơi thảo luận các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm và quan trọng nhất.
Theo hai người biết rõ về nhóm chat, ông Hegseth ban đầu tạo nhóm Signal riêng biệt này như một diễn đàn để thảo luận thông tin hành chính hoặc lịch trình thông thường. Những người này cho biết ông Hegseth thường không sử dụng nhóm chat này để thảo luận các hoạt động quân sự nhạy cảm và nhóm không bao gồm các quan chức cấp bộ khác. Ông Hegseth đã chia sẻ thông tin về các cuộc tấn công ở Yemen trong nhóm chat "Defense | Team Huddle" vào khoảng thời gian gần như đồng thời với việc ông đưa các chi tiết tương tự vào nhóm chat Signal kia (nhóm có các quan chức cấp cao của Mỹ và tổng biên tập tạp chí The Atlantic).
Các cuộc tấn công ở Yemen, nhằm trừng phạt các tay súng Houthi vì đã tấn công các tàu hàng quốc tế đi qua Biển Đỏ, là một trong những cuộc tấn công quân sự lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Hegseth.
Vụ rò rỉ qua ứng dụng Discord (2022–2023)
Ảnh: gulftoday
Trong số ra vào ngày 6/4/2023, tờ The New York Times tiết lộ về kế hoạch bí mật của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm giúp Ukraine tiến hành cuộc phản công mùa xuân. Thông tin này có được thông qua các tài liệu đã xuất hiện trên internet từ trước đó.
Trong số các tài liệu bị rò rỉ, có một tài liệu dán nhãn tuyệt mật, nói về tình trạng xung đột Nga - Ukraine tính tới ngày 1/3/2023. Một tài liệu khác gồm các cột liệt kê các đơn vị quân đội, thiết bị và công tác huấn luyện của Ukraine, kèm lịch trình từ tháng 1 đến tháng 4/2023. Tài liệu chứa một bản tóm tắt về 12 lữ đoàn chiến đấu đang hình thành, trong đó có 9 lữ đoàn dường như do Mỹ và các thành viên NATO huấn luyện và cung cấp trang thiết bị. Trong số 9 lữ đoàn đó, tài liệu cho biết 6 lữ đoàn sẽ sẵn sàng vào ngày 31/3/2023 và số còn lại sẵn sàng vào ngày 30/4/2023.
Vụ việc chưa dừng lại. Một hôm sau khi tờ báo trên đưa tin, trên mạng xã hội lại lan truyền những tài liệu mật mới. Lần này, các tài liệu mật được công bố trên "4chan", một nền tảng thông tin trực tuyến ẩn danh. Theo đó, hơn 100 trang tài liệu đã được đăng tải, bao gồm các slide tóm tắt nhạy cảm của Mỹ về các chủ đề như Trung Quốc, các vấn đề quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông và chủ nghĩa khủng bố. Đáng chú ý là trong số tài liệu bị rò rỉ lần này có một slide đề ngày 23/2/2023, được dán nhãn “Secret/No Forn”, nghĩa là phía Mỹ sẽ không chia sẻ thông tin này với nước ngoài.
Trên thực tế, vụ việc bắt nguồn từ khoảng ngày 1/3/2023, nhưng không thu hút được nhiều chú ý. Khi đó, có hơn 100 bức ảnh được đánh dấu "tuyệt mật" và các dạng bí mật khác theo phân loại đã xuất hiện trên bảng tin Discord của những người hâm mộ trò chơi điện tử Minecraft. Tuy rất nhiều bức ảnh trong số đó đã bị xóa, nhưng những người thu thập thông tin vẫn có thể tải xuống hơn 60 tài liệu.
Các tài liệu mật bị rò rỉ trực tuyến này đã hé lộ cách Mỹ do thám các đồng minh cũng như đối thủ. Vụ việc khiến các quan chức Mỹ vô cùng lo lắng về khả năng những tiết lộ này sẽ gây nguy hiểm cho các nguồn tin nhạy cảm và làm tổn hại các mối quan hệ đối ngoại quan trọng. Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, sự kiện trở thành một trong những vụ bê bối tình báo gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ.
Tiết lộ thông tin chiến tranh Afghanistan (2010)
Binh sĩ Lục quân Mỹ Chelsea (tên cũ là Bradley) Manning đã tiết lộ 91.000 báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về các hoạt động quân sự tại Afghanistan (2004–2010) cho WikiLeaks, vạch trần tình trạng quản lý yếu kém, thương vong dân thường không được báo cáo, các vụ tấn công nội bộ và thách thức trong tác chiến.
Tiết lộ thông tin chiến tranh Iraq (2010)
Cũng do Manning tiết lộ cho WikiLeaks, 391.832 báo cáo thực địa của Bộ Quốc phòng Mỹ về các chiến dịch tại Iraq từ năm 2004 đến 2009 đã phơi bày chiến lược gây tranh cãi của quân đội Mỹ, các vụ tử vong dân thường bị che giấu, lạm dụng tù nhân và nhiều tội ác chiến tranh khác.
Hồ sơ Lầu Năm Góc (1971)
Do Daniel Ellsberg rò rỉ, nghiên cứu dài 7.000 trang này bao phủ giai đoạn 1945 đến 1967, vạch trần sự xuyên tạc có hệ thống về Chiến tranh Việt Nam của nhiều chính quyền Mỹ, nêu rõ những thất bại chiến lược và tiến trình thực tế của cuộc chiến.
Thùy Dương/Báo Tin tức