Điểm nghẽn khi đầu tư dự án truyền tải điện

Điểm nghẽn khi đầu tư dự án truyền tải điện
4 giờ trướcBài gốc
Việc triển khai dự án truyền tải điện gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Ảnh: Đ.T
Ba điểm nghẽn lớn
EVN cho hay, nhằm tăng cường khả năng cung ứng điện cho miền Bắc, Tập đoàn đã đề xuất một loạt dự án lưới điện truyền tải quan trọng vào Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và đã được phê duyệt tại Quyết định 270/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án này gặp rất nhiều vướng mắc.
Có 3 vướng mắc chính được EVN liệt kê, gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Những khó khăn này khiến nhiều dự án có thể kéo dài thời gian thực hiện thêm 2-4 năm, dẫn tới không đáp ứng tiến độ đóng điện của các công trình.
Cụ thể, một số dự án truyền tải nhằm giải tỏa công suất các nguồn thủy điện ở khu vực Tây Bắc đã được phê duyệt dự án và đã tổ chức khởi công, nhưng khi triển khai các bước tiếp theo thì địa phương yêu cầu bổ sung thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện công tác giao đất và cho thuê đất. Điều này làm kéo dài thời gian thực hiện so với dự kiến ban đầu.
Ví dụ được EVN đưa ra là các dự án đã hoàn thành thủ tục phê duyệt Báo cáo khả thi/thiết kế kỹ thuật, như Đường dây 220 kV Phong Thổ - Than Uyên, hoặc đang thi công như Trạm biến áp 220 kV Điện Biên, Trạm biến áp 220 kV Pắc Ma, Trạm biến áp 220 kV Phong Thổ, Đường dây 220 kV Điện Biên - Sơn La, nhưng địa phương vẫn yêu cầu bổ sung thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nên chưa thể thực hiện các bước tiếp theo.
Cũng có dự án còn gặp vướng mắc về việc phải bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho dự án, như với Trạm biến áp 500 kV Quỳnh Lưu.
Thách thức còn đến với các dự án Đường dây 220 kV Than Uyên - Trạm biến áp 500 kV Lào Cai, Đường dây 220 kV Phong Thổ - Than Uyên, Đường dây 220 kV Pắc Ma - Mường Tè khi phải hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng theo Nghị định 91/NĐ-CP ngày 18/7/2024 do trước đó chưa làm xong theo quy định cũ.
Cũng do chưa có hướng dẫn Điều 248, Luật Đất đai 2024, nên một số sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tạm dừng giải quyết hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, dẫn đến một số dự án chưa được phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, như Đường dây 220 kV Pắc Ma -Mường Tè, Trạm biến áp 220 kV Phong Thổ, Đường dây 220 kV Phong Thổ - Than Uyên.
Cũng có tình trạng nhà thầu khó khăn về tài chính, nên không thể tập trung thi công, đảm bảo tiến độ. Điều này diễn ra ở các dự án Đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và Đường dây 220 kV đấu nối Nghĩa Lộ - Trạm biến áp 500 kV Việt Trì.
Thậm chí, có nhà thầu bị chấm dứt các gói thầu do thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng và điều chỉnh hướng tuyến, như Đường dây 500 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín.
EVN còn liệt kê không ít dự án gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng do các đơn vị có tuyến đường dây đi qua không đồng ý với phương án bồi thường, gồm Đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và Đường dây 220 kV Nghĩa lộ - Việt Trì; Trạm biến áp 220 kV Điện Biên…
Giải quyết căn cơ cần nhiều công sức
Theo EVN, thời gian qua, một số địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án lưới điện theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thống nhất áp dụng các quy định pháp luật để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lưới điện do EVN và các đơn vị đề xuất.
Nhằm tiếp tục phát huy tinh thần, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị như trong quá trình xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 vừa qua, EVN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ EVN triển khai các Dự án cấp bách để có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị Dự án và thi công xây dựng, kịp thời tăng cường nguồn cung cho hệ thống điện miền Bắc.
Ngày 23/7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 5808/BKHĐT-KTCNDV hướng dẫn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án lưới điện của EVN. Nhưng để giải quyết căn cơ, thống nhất vấn đề này, cần đưa vào văn bản quy phạm pháp luật (Luật Điện lực, hoặc Nghị định của Chính phủ) nội dung quy định các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập).
Trong đó, các dự án điện của EVN là loại dự án thuộc trường hợp “được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.
Giải phóng mặt bằng cho các dự án lưới điện cũng là câu chuyện không mới trong cả chục năm qua, nhưng vẫn chưa có lối thoát căn cơ, tiếp tục gây trở ngại lớn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của chủ đầu tư, mà phụ thuộc lớn vào chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền ở địa phương và sự ủng hộ của người dân bị tác động. Vì vậy, EVN đề nghị các cơ quan hữu trách trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách cần bổ sung quy định nội dung phối hợp các thủ tục về bồi thường mặt bằng và thực hiện xây dựng.
Một thách thức khác được EVN nhắc tới là nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (theo các điều 25, 26, Nghị định 31/2021/NĐ-CP).
Với thực tế các dự án do EVN đầu tư xây dựng đều nằm trong danh mục kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ xây dựng các dự án đều nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương, phục vụ kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia; thậm chí nhiều dự án, các cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ còn phải hỗ trợ EVN đàm phán vay vốn của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, nên yêu cầu ký quỹ là khó khăn lớn đối với EVN, cũng như các đơn vị.
Về vấn đề này, EVN đề nghị có quy định hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền nhằm giảm khó khăn tài chính, tránh các hệ lụy trong đầu tư dự án hạ tầng năng lượng của Nhà nước.
Hoàng Nam
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/diem-nghen-khi-dau-tu-du-an-truyen-tai-dien-d229026.html