Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm tại các dự án BĐS tại TP HCM
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Kết luận thanh tra số 82, chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại TP.HCM.
Phối cảnh Dự án Richstar Residence (Quận Tân Phú)/Ảnh minh họa
Các sai phạm này liên quan đến nhiều dự án bất động sản lớn trên địa bàn thành phố, trong đó có Dự án Khu nhà ở xã hội – Khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc, Dự án Chung cư kết hợp thương mại dịch vụ (Công ty TNHH Gotec Việt Nam), và Dự án Khu liên hiệp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng, Dự án Richstar Residence (Quận Tân Phú)
Dự án Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở tại Lô F (Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) và Dự án Khu dân cư An Hạ (Xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh), Công ty TNHH Western City (Lô F, Bình Chánh) và Công ty CP Tư vấn Đầu tư – Xây dựng – Thương mại – Sản xuất Nhựt Thành (An Hạ, Bình Chánh)
Thanh tra Chính phủ cho biết các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, vi phạm quy hoạch và giấy phép xây dựng, đồng thời chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến các quỹ nhà ở xã hội. Đặc biệt, tại Dự án Richstar Residence, UBND TP.HCM đã điều chỉnh quy hoạch nhưng không tính toán bổ sung tiền sử dụng đất, dẫn đến thiếu hụt khoảng 446 tỷ đồng.
Từ các sai phạm này, TTCP kiến nghị UBND TP.HCM rà soát, truy thu khoảng 802 tỷ đồng tiền sử dụng đất còn nợ từ các dự án này. Đồng thời, các sở, ngành liên quan cần kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong công tác quản lý và cấp phép xây dựng. Việc truy thu này sẽ giúp tăng cường nguồn thu ngân sách cho TP.HCM và đảm bảo việc quản lý đất đai, xây dựng đúng quy hoạch.
Quảng Nam đề nghị công an vào cuộc xử lý tình trạng bất động sản "sốt ảo"
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý thị trường bất động sản, đặc biệt là việc xuất hiện tình trạng "sốt ảo" và "thổi giá" ở một số khu vực trên địa bàn. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện và gây bất ổn về an ninh trật tự, môi trường đầu tư.
UBND tỉnh yêu cầu lực lượng công an chủ động nắm bắt tình hình, đặc biệt là các dự án mở bán khi chưa đủ điều kiện, để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, công an sẽ tập trung vào việc kiểm tra, xử lý các tổ chức và cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, gây lũng đoạn thị trường.
Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam sẽ công khai danh mục các dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân xây dựng nhà ở, giúp các tổ chức, cá nhân có thông tin chính xác khi tham gia thị trường. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.
Trước tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng và tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định đầu tư để tránh các rủi ro pháp lý trong tương lai.
Ban hành cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc các dự án tại 3 địa phương
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Nghị định có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký.
Ảnh minh họa
Theo đó, tại TP.HCM, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án sẽ thực hiện theo Nghị định số 101/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật không đồng nhất với quy định tại Nghị quyết 170, các quyết định xử lý về đất đai sẽ được thực hiện theo bản án.
Tại Đà Nẵng, Nghị định quy định điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất đối với các giấy chứng nhận đã cấp, xác định lại thời hạn sử dụng đất cho các dự án sản xuất kinh doanh là 50 năm. Các thủ tục liên quan sẽ được thực hiện trong vòng 20 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.
Tại Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát điều kiện tiếp tục sử dụng đất đối với 11 dự án. Việc đánh giá sẽ dựa trên các yếu tố như quy hoạch sử dụng đất, khả năng của nhà đầu tư, và các yếu tố khác liên quan. Các dự án đủ điều kiện sẽ được tiếp tục sử dụng đất, còn các dự án không đủ điều kiện sẽ bị thu hồi.
Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vướng mắc pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển dự án và cải thiện thị trường bất động sản tại ba địa phương.
Hà Nội đấu giá 6.664m2 đất ở liền kề tại huyện Đông Anh
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định giao 30.393,7m2 đất tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cho UBND huyện Đông Anh, nhằm thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất thôn Tuân Lề.
Trong tổng diện tích trên, có 6.664m2 đất được quy hoạch làm đất nhà ở liền kề, hơn 5.553m2 đất nhà ở chung cư, và 3.393m2 đất giáo dục (trường mầm non). Ngoài ra, dự án còn bao gồm 1.566m2 đất cây xanh công cộng, bãi đỗ xe và đường giao thông.
UBND thành phố giao UBND huyện Đông Anh phối hợp với Sở NN&MT để nhận bàn giao đất thực địa và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, huyện Đông Anh chịu trách nhiệm lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất và tổ chức đấu giá theo đúng quy trình.
Các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp hỗ trợ UBND huyện Đông Anh trong quá trình triển khai dự án và bàn giao đất thực địa.
Trung Nam đề xuất "tháo gỡ" cho dự án Golden Hills City ở Đà Nẵng
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) vừa đề xuất xin giải quyết vướng mắc cho dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills City, tọa lạc tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Đây là một trong các dự án gặp khó khăn liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012 về việc giao đất, cấp phép đầu tư không đúng quy định.
Trung Nam đề xuất "tháo gỡ" cho dự án Golden Hills City ở Đà Nẵng
Theo Trung Nam, việc rà soát, xử lý các vướng mắc đã khiến công ty không thể thực hiện các thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng nhà ở, và hoàn thành các công trình. Nhiều khách hàng đã mua đất, nhà tại dự án bày tỏ bức xúc vì sự chậm trễ này, làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty.
Dự án Golden Hills City có tổng diện tích hơn 381 ha và được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010, với mục tiêu phát triển một khu đô thị sinh thái hiện đại. Dự án này bao gồm 485 căn biệt thự đơn lập, 360 căn biệt thự song lập và các hạng mục hạ tầng, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 4.447 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các biệt thự hiện đang dang dở và tạm ngưng thi công.
Chủ đầu tư cho biết trong suốt gần 4 năm qua, công ty đã gửi nhiều văn bản để tháo gỡ vướng mắc, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trung Nam đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính và tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
Năm 2024, công ty đề xuất điều chỉnh dự án, bổ sung nội dung xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê và tăng vốn đầu tư từ 4.447 tỷ đồng lên 7.648 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng cho biết việc điều chỉnh dự án cần phải có sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Huy Tùng (T/h)