'Điểm tựa' để phụ nữ thoát nghèo

'Điểm tựa' để phụ nữ thoát nghèo
5 giờ trướcBài gốc
Nhờ nguồn vốn CSXH và tham gia các lớp dạy nghề đã giúp nhiều phụ nữ xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê có thêm kiến thức, kỹ năng, tạo việc làm, thu nhập ổn định.
Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Chị Tạ Thị Tiện ở khu 2, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa là một trong những điển hình đã tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH một cách hiệu quả. Năm 2000, khi mới xây dựng gia đình, không có nguồn vốn đầu tư, gia đình chị thuộc diện khó khăn của xã. Từ khi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, được nắm bắt, tiếp cận với chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo, người khó khăn, nhất là khi được nhận 2,5ha đất rừng do Nhà nước khoán đã thôi thúc chị và gia đình tìm tòi, học hỏi, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để chuyển đổi sản xuất.
Được vay vốn ban đầu 50 triệu đồng từ NHCSXH, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng rừng. Đến nay, gia đình chị luôn duy trì 3 bò nái, 2-5 bò con, cộng với rừng keo 2,5ha mỗi chu kỳ khai thác thu về hàng trăm triệu đồng.
Cách đây hơn 10 năm, gia đình chị Hoàng Thị Hợp ở khu Mỏ Son, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê là một trong những hộ nghèo của xã. Làm nông nghiệp thuần túy nên khi hai người con đỗ đại học, gia đình chị càng khó khăn do chi phí học tập cho các con lớn.
Năm 2014, chị được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn (TT&VV) khu Mỏ Son, xã Sơn Tình, được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi cho học sinh, sinh viên từ NHCSXH huyện Cẩm Khê với tổng số tiền 82,5 triệu đồng.
Năm 2020, nhờ nguồn vốn ưu đãi cho vay học sinh, sinh viên cộng với thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị thoát nghèo, tiếp tục được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng cho hộ mới thoát nghèo và 20 triệu đồng chương trình nước sạch về vệ sinh môi trường nông thôn để mua 2 bò nái, cải tạo 4.000m2 ao thả cá thịt, cá giống, xây dựng công trình xử lý vệ sinh đúng tiêu chuẩn.
Đến nay, mô hình nuôi bò nái sinh sản, nuôi cá giống, cá thương phẩm của gia đình chị ngày càng phát triển, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Câu chuyện của chị Tiện, chị Hợp không chỉ là câu chuyện của một, hai cá nhân mà còn là câu chuyện của biết bao người dân khác đã và đang vươn lên từ khó khăn nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH.
Xác định tín dụng CSXH là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 10 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ hội, hệ thống loa truyền thanh hay các trang mạng zalo, facebook... để các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo, cận nghèo hiểu rõ. Từ đó, khẳng định được vai trò của tín dụng CSXH trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng NTM tại địa phương.
NHCSXH huyện Tân Sơn phối hợp cùng các tổ TT&VV thực hiện thu tiền gửi tiết kiệm cho chị em phụ nữ, góp phần giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, giảm nghèo bền vững.
Đồng hành vì sự phát triển của phụ nữ
Nguồn vốn của NHCSXH không chỉ giúp chị em có nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế gia đình mà thông qua việc trở thành khách hàng của ngân hàng, phụ nữ có thêm cơ hội phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng, biết cách sử dụng đồng vốn hiệu quả; nguồn vốn cũng trở thành một trong những “kênh” quan trọng, giúp phụ nữ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, khẳng định được vai trò, vị thế trong xã hội.
Đồng chí Phạm Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh hiện đang quản lý dư nợ trên 1.708 tỷ đồng cho hơn 31.500 hộ vay còn dư nợ tại 1.003 Tổ TT&VV trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với cho vay ưu đãi phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống... 100% Tổ TT&VV do Hội LHPN quản lý có số dư tiết kiệm với tỷ lệ hộ gửi tiết kiệm đạt 100% so với số thành viên vay vốn, số dư tiền gửi huy động từ các tổ viên là 64,8 tỷ đồng.
Việc gửi tiết kiệm qua Tổ TT&VV do Hội LHPN quản lý không chỉ huy động được nguồn lực tại chỗ mà còn tạo thói quen tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Để giúp phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, NHCSXH và các cấp Hội đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 147 lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo tồn nghề truyền thống, mở 270 lớp dạy nghề cho hơn 15.000 lượt phụ nữ, giúp chị em có thêm kiến thức, kỹ năng, phát huy sáng tạo, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo sinh kế bền vững, giúp giảm nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Đặc biệt, thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, phụ nữ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách thuận tiện, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tham gia “tín dụng đen”, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, đóng góp tích cực vào chủ trương tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội của Đảng. Từ đó, vai trò, uy tín của tổ chức Hội được nâng lên, tăng cường sự gắn kết, tập hợp, thu hút các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tham gia hoạt động của tổ chức Hội.
Đinh Vũ
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/diem-tua-de-phu-nu-thoat-ngheo-220074.htm