Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025 còn có sự phối hợp tổ chức của Tạp chí Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Năng lượng xanh, sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới - Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới”.
Tham dự và phát biểu tại diễn đàn có đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt cùng đại diện lãnh đạo các Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; cùng lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia kinh tế, công nghệ, năng lượng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Nhu cầu điện tăng từ 12-18%/năm
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - cho hay, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và là một trong 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất nhóm 30 nước mới nổi và đang phát triển tại châu Á.
Ông Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - phát biểu khai mạc Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025. Ảnh: Hải Linh
Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, ước tính cần tăng từ 12-16% mỗi năm.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu net zero (phát thải ròng bằng 0) vào 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng nghĩa với nhu cầu điện sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa.
Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đã nhận thức rõ sự cấp thiết của việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững, đồng thời phát triển một chiến lược dài hạn để tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, Việt Nam đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024, đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và hiện đang tiếp tục cập nhật Quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh mới cũng như các mục tiêu ưu tiên về phát triển kinh tế đất nước.
Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời), nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt, đặc biệt là bổ sung nguồn điện nguyên tử hạt nhân với công suất đạt khoảng từ 6.000 - 6.400 MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030 - 2035.
Đây là nguồn năng lượng được xác định không chỉ cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn năng lượng xanh, sạch giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên, thực tế các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời...) còn gặp một số khó khăn. Đơn của, dự án điện gió ngoài khơi yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng kéo dài.
Do đó, từ chủ trương, chính sách tới thực tiễn triển khai còn nhiều vấn đề cần làm rõ, cần sự thông hiểu giữa các bên liên quan, nhằm cùng tìm các giải pháp tối ưu cho các bài toán cụ thể, trong đó, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế cũng như phân tích, đánh giá của chuyên gia có ý nghĩa quan trọng.
“Diễn đàn năng lượng Việt Nam hôm nay sẽ cập nhập chính sách về năng lượng mới giúp các bên liên quan nắm bắt; tạo diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi về việc đầu tư các dự án năng lượng mới; hiến kế những giải pháp nhằm phát triển chuỗi năng lượng tại Việt Nam”, ông Chử Văn Lâm cho hay.
Năng lượng quyết định cho phát triển bền vững của nền kinh tế
Phát biểu tại diễn đàn, ông Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh, diễn đàn không chỉ góp phần hoàn thiện chính sách mà còn góp phần tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương, chính sách về lĩnh vực năng lượng. Là cơ hội để các nhà đầu tư tiếp nhận xu hướng mới về phát triển năng lượng.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hải Linh
Năng lượng là yếu tố then chốt và quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia. Những năm qua Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho phát triển năng lượng, nhất là năng lượng xanh với chủ trương năng lượng đi trước một bước để tạo hạ tầng cho phát triển kinh tế.
Ông Huỳnh Thành Đạt cũng thông tin, với vai trò quan trọng của lĩnh vực năng lượng với nền kinh tế, Đảng, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển lĩnh vực này.
Trong đó, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tích cực nghiên cứu. Năng lượng nguyên tử rất quan trọng góp phần đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế.
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng xanh còn một số băn khoăn với các nhà đầu tư. “Kỳ vọng qua diễn đàn này, các nhà đầu tư hiểu rõ những chính sách của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng mới để có hướng nghiên cứu và hợp tác”, ông Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2025 được cấu trúc thành hai phiên: Phiên tham luận và Phiên thảo luận thu hút sự quan tâm, bàn thảo của nhiều nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hải Linh