Nhiều chuyển biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều chuyển biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
một ngày trướcBài gốc
Thực trạng vùng đồng bào DTTS: Cơ hội và thách thức
Bình Thuận có 34 thành phần DTTS với hơn 114.000 người, chiếm khoảng 9% dân số toàn tỉnh. Đồng bào sinh sống rải rác trên toàn tỉnh, chủ yếu theo hình thức xen ghép, tập trung nhiều ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh. Khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS có nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Những năm qua, tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định; 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 99% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; có 7/17 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Đồng bào DTTS sản xuất bắp. Ảnh: Ngọc Lân.
Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS vẫn tồn tại một số hạn chế về hạ tầng, điều kiện sản xuất, trình độ lao động và khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển. Một số khó khăn điển hình như tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, dù đã giảm từ 10,04% (năm 2019) xuống còn 7,73% (đầu năm 2024), nhưng đây vẫn là con số đáng lo ngại. Nhiều hộ dân vẫn chưa có đất hoặc diện tích đất canh tác quá nhỏ, không đảm bảo sinh kế bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, phần lớn lao động DTTS chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng nghề và gặp khó khăn khi tiếp cận các mô hình sản xuất hiện đại. Hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều khu vực vẫn thiếu điện, nước sạch, đường giao thông và các công trình công cộng thiết yếu. Những khó khăn này đòi hỏi một hướng đi chiến lược, không chỉ hỗ trợ tức thời mà cần có giải pháp mang tính dài hạn để đảm bảo phát triển bền vững.
Tập trung nguồn lực, giảm nghèo bền vững
Trước những khó khăn trên, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã huy động hơn 600 tỷ đồng tập trung vào an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về thương mại và sản xuất, giúp đồng bào tiếp cận thị trường và nâng cao thu nhập. Hiện nay, 11 cửa hàng và 5 đại lý đã được xây dựng tại các khu vực thuần đồng bào DTTS để cung ứng nhu yếu phẩm, vật tư nông nghiệp với giá cả ổn định.
Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đồng bào phát triển sản xuất. Đến tháng 6/2024, tổng số tiền giải ngân đạt 55,135 tỷ đồng, trong đó 6 tỷ đồng hỗ trợ 150 hộ xây dựng nhà ở; 49,135 tỷ đồng hỗ trợ 608 hộ chuyển đổi nghề (bình quân mỗi hộ vay 81 triệu đồng để trồng cây ăn trái, cây công nghiệp và chăn nuôi). Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Mặt khác, để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, tỉnh đã cấp 5.726 ha đất cho 5.375 hộ đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho bà con canh tác, phát triển sinh kế. Ngoài ra, tỉnh đã giao khoán 83.961 ha rừng cho đồng bào DTTS quản lý, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập từ tiền khoán bảo vệ rừng. Đây là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép đồng thời gắn kết cộng đồng với công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ toàn diện, hướng đến phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu vực miền núi, tạo thêm việc làm tại chỗ, mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Với sự quan tâm của Chính phủ và quyết tâm của chính quyền địa phương, vùng đồng bào DTTS tỉnh sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, hướng đến một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn.
KIM ANH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-chuyen-bien-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-129036.html