Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
6 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện Cục Điện lực công bố Quyết định số 768-QĐ/TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050, đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu, năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 - 1.511,1 tỷ kWh. Công suất cực đại, năm 2030 khoảng 89.655 - 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 - 228.570 MW.
Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, nguồn điện hạt nhân. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được phê duyệt tạo dư địa về hành lang pháp lý trong thực hiện các dự án điện. Các Bộ, ngành tích cực phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có liên quan; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục làm tốt chức năng quản lý, hướng dẫn địa phương trong triển khai. Tăng cường truyền thông, phổ biến các nội dung trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về tầm nhìn, bảo đảm các mục tiêu đề ra. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung nguồn lực, phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án được giao. Rà soát, đề xuất điều chỉnh khung giá điện cho phù hợp diễn biến với thị trường và nhà đầu tư.
Các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật các nguồn lưới điện vào quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan của địa phương để có cơ sở thực hiện. Khẩn trương phê duyệt chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện; bố trí quỹ đất, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ các dự án điện. Tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo; chủ động thay thế các dự án chậm tiến độ, đảm bảo cung ứng điện, góp phần củng cố an ninh năng lượng quốc gia...
An Minh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/dieu-chinh-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-3176848.html