Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2025/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 liên quan đến chế độ trợ cấp hưu trí xã hội.
Quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Tại Nghị định 176/2025/NĐ-CP đã quy định chi tiết về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Cụ thể, từ 1/7/2025, đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, hoặc từ 70 tuổi nếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đáp ứng các tiêu chí kèm theo.
Tại Nghị định 176/2025/NĐ-CP đã quy định chi tiết về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 1/7. Ảnh minh họa
Mức trợ cấp hưu trí xã hội: Áp dụng thống nhất mức 500.000 đồng/tháng đối với các đối tượng đủ điều kiện, có thể được cộng thêm nếu đồng thời hưởng trợ cấp xã hội khác hoặc được địa phương hỗ trợ thêm
Về trình tự, thủ tục thực hiện, người đề nghị trợ cấp hưu trí xã hội có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua tổ chức bưu chính hoặc trên môi trường mạng đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức xem xét, thực hiện xác thực và chuẩn hóa thông tin liên quan của người đề nghị trợ cấp hưu trí xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quyết định và thực hiện chi trả trợ cấp hưu trí xã hội cho người đề nghị theo quy định pháp luật.
Thời gian hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng tính từ tháng Chủ tịch UBND cấp xã ký quyết định.
Trường hợp người đề nghị không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì Chủ tịch UBND cấp xã trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Kinh phí thực hiện trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo, việc chi trả được tổ chức thông qua hệ thống chính quyền địa phương và các đơn vị dịch vụ công ích (nếu có).
Ngoài khoản trợ cấp cố định từ ngân sách Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách địa phương. Điều này mở ra cơ hội để người cao tuổi ở một số tỉnh, thành phố có thể được hưởng mức trợ cấp cao hơn 500.000 đồng/tháng, nếu địa phương chủ động bố trí nguồn lực phù hợp.
Đây là điểm linh hoạt trong chính sách mới, thể hiện tinh thần phân cấp, trao quyền cho địa phương trong việc chăm lo an sinh cho người cao tuổi theo điều kiện thực tế.
Minh Ngọc