"Khổng tước làng múa" Dương Lệ Bình đã mang đến tiết mục múa mới mang tên Xà lai vận chuyển tại chương trình Xuân Vãn Hà Nam 2025. Tiết mục nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận vì sự sáng tạo độc đáo, độ táo bạo trong dàn dựng và màn trình diễn ấn tượng của các nghệ sĩ.
Xà lai vận chuyển do "Khổng tước làng múa" Dương Lệ Bình biên đạo.
Hình ảnh táo bạo, hiệu ứng thị giác mạnh mẽ
Xà lai vận chuyển lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại Phục Hy - Nữ Oa tạo ra vạn vật, thể hiện sự linh hoạt và bí ẩn của loài rắn thông qua ngôn ngữ vũ đạo. Chính độ táo bạo trong cách dàn dựng đã khiến người xem bất ngờ.
Các diễn viên mặc trang phục bó sát in họa tiết rắn, mô phỏng hình dáng và chuyển động của loài vật này, thậm chí có những cảnh tương tác gần gũi. Những hình ảnh này không chỉ thử thách khả năng biểu diễn của vũ công mà còn mang đến sự choáng ngợp về mặt thị giác.
Dương Lệ Bình tiết lộ để thể hiện sự uyển chuyển của rắn một cách chân thực, các diễn viên đã phải trải qua quá trình tuyển chọn và huấn luyện khắt khe. Mỗi cử động của họ đều được kiểm soát chặt chẽ, đòi hỏi độ dẻo dai và kỹ thuật cao, góp phần tạo nên một màn trình diễn xuất sắc.
Vở múa lấy cảm hứng từ thần thoại Phục Hy - Nữ Oa của Trung Quốc.
Điểm sáng lớn nhất của Xà lai vận chuyển chính là màn trình diễn đầy mê hoặc của các vũ công. Không chỉ mô phỏng hoàn hảo hình dáng và chuyển động của rắn mà còn truyền tải sự bí ẩn và quyến rũ thông qua ánh mắt, biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể. Đặc biệt, Dương Lệ Bình đã khiến khán giả ngỡ ngàng khi hóa thân trọn vẹn thành một “linh xà” đang uốn lượn trên sân khấu.
Sự xuất sắc trong từng động tác là kết quả của nhiều năm khổ luyện và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Nhờ đó, các nghệ sĩ đã mang đến một màn trình diễn cuốn hút, chạm đến cảm xúc người xem.
Phản ứng trái chiều từ công chúng
Dù Xà lai vận chuyển đạt được thành công về mặt nghệ thuật, công chúng lại có phản ứng trái chiều. Tranh cãi này cũng lan rộng trên mạng xã hội. Có người ủng hộ sự đổi mới của Dương Lệ Bình, cho rằng bà dám vượt qua giới hạn để mang đến luồng gió mới cho nghệ thuật. Ngược lại, một số khác phản đối, cho rằng nghệ thuật cần tuân thủ chuẩn mực thẩm mỹ và đạo đức, không nên quá phô trương để thu hút sự chú ý.
Nhiều khán giả sau khi xem xong đã không ngớt lời khen ngợi: “Tuyệt đỉnh nghệ thuật!”. Họ cho rằng đây là minh chứng cho sự theo đuổi nghệ thuật đến mức hoàn mỹ của Dương Lệ Bình, nơi từng động tác đều mang đậm cảm xúc và chiều sâu văn hóa.
Một số người xúc động bình luận: “Đây mới thực sự là nghệ thuật! Đẹp đến nghẹt thở! Có thể cảm nhận được sức sống mãnh liệt và sự huyền bí của thiên nhiên qua từng chuyển động”.
Hình ảnh trong tiết mục dài 9 phút của Xà lai vận chuyển gây tranh cãi.
Những người ủng hộ nhấn mạnh rằng múa không chỉ là hình thức giải trí mà còn là cách biểu đạt tư tưởng, cảm xúc, và Xà lai vận chuyển đã làm được điều đó.
Trong việc dàn dựng, Dương Lệ Bình đã quan sát kỹ tập tính loài rắn, đưa vào từng động tác bò trườn, cuộn xoắn, thè lưỡi… Các vũ công uốn lượn với độ dẻo dai vượt ngoài sức tưởng tượng, tạo nên những chuyển động uyển chuyển như thật.
Phần múa tập thể còn gây ấn tượng mạnh khi các nghệ sĩ đan xen, quấn lấy nhau, hình thành hình ảnh đại xà khổng lồ đang trườn lượn trên sân khấu. Cách dàn dựng này khiến người xem không khỏi sửng sốt vì mức độ chân thực.
Nhưng không phải ai cũng tán thành… Bên cạnh những lời ca ngợi, không ít khán giả lại tỏ ra khó chịu, cho rằng tiết mục quá ma mị, u ám, không phù hợp với không khí vui tươi của Tết.
Một số người thẳng thắn nhận xét: “Nhìn mà nổi da gà! Cảm giác như hai con rắn quấn lấy nhau, tràn đầy dục vọng!”.
Đặc biệt, với một sân khấu đại chúng như Xuân Vãn - nơi có đông đảo trẻ em theo dõi - nhiều bậc phụ huynh lo ngại rằng hình ảnh trong bài múa có thể không phù hợp với lứa tuổi nhỏ.
Thậm chí, có người còn hài hước châm biếm: “Múa gì mà ‘bùng nổ’ quá vậy? Cứ như hai con rắn đang… thôi, ai hiểu thì hiểu!”.
Những ý kiến phản đối cho rằng Dương Lệ Bình đã đi quá xa trong sáng tạo. Họ tin rằng nghệ thuật múa nên hướng đến cái đẹp nhẹ nhàng, thanh tao, thay vì tạo cảm giác rùng rợn hay ám ảnh.
Tiết mục Xà lai vận chuyển mừng Tết Ất Tỵ. Video: Tiểu Hồng Thư.
Dương Lệ Bình, sinh năm 1958, người dân tộc Bạch ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được mệnh danh là “Khổng tước làng múa”. Năm 1971, bà gia nhập đoàn ca múa Tây Song Bản Nạp, sau đó chuyển sang Đoàn ca múa dân tộc Trung ương và nhanh chóng nổi danh với Vũ điệu chim công.
Năm 1994, bài múa đơn Linh hồn chim công giúp bà giành giải Vàng Tác phẩm múa kinh điển thế kỷ XX của dân tộc Trung Hoa. Đến năm 2009, vở Âm vang Vân Nam, phần tiếp theo của Ấn tượng Vân Nam, tiếp tục gặt hái thành công, đưa bà trở thành vũ công đầu tiên ở Trung Quốc tổ chức đêm diễn cá nhân.
Mỗi năm Dương Lệ Bình đều sáng tác bài múa lấy cảm hứng từ con giáp của năm. Năm nay, Xà lai vận chuyển ra mắt trên sân khấu Xuân Vãn Hà Nam 2025. Đây cũng là lần hợp tác tiếp theo giữa đài Hà Nam và đoàn nghệ thuật của Dương Lệ Bình, sau thành công của Long Vũ và Phụng Minh Triều Dương.
Là một loài vật cổ xưa và huyền bí, rắn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc như may mắn, linh hoạt, trí tuệ và sức sống mãnh liệt. Dương Lệ Bình vận dụng sở trường múa tượng hình để tái hiện hình tượng Phục Hy – Nữ Oa ban phúc cho muôn loài, sáng tạo sự sống. Tiết mục tạo nên cảnh tượng “ngàn rắn cuộn trào, uốn lượn ngoạn mục”, thể hiện sức mạnh sinh sôi bất tận của vạn vật.