Đỉnh điểm căng thẳng Trung Đông

Đỉnh điểm căng thẳng Trung Đông
3 giờ trướcBài gốc
Xung đột giữa Israel với Hezbollah bắt nguồn từ cuộc chiến ngày 7/10/2023 giữa Hamas và Israel. Hezbollah, lực lượng Houthi ở Yemen và nhiều phong trào kháng chiến của người Ả-rập đều là đồng minh của Hamas. Họ thề rằng chừng nào Israel còn tiếp tục tấn công vào Dải Gaza, còn giết hại người Palestine (đến nay đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng) thì họ sẽ tiếp tục chia lửa với Hamas.
Có những lý do khiến Israel chuyển trọng tâm tấn công từ Dải Gaza sang phía biên giới với Li-băng. Hezbollah bất kỳ lúc nào cũng có thể đe dọa an ninh của Israel ở biên giới phía bắc, tức phía nam của Li-băng. Hezbollah là lực lượng rất mạnh, được coi là nhà nước trong nhà nước, mạnh hơn cả quân đội Li-băng. Hezbollah được Iran – kẻ thù không đội trời chung của Israel - bảo trợ. Chống Hezbollah tức là chống Iran, chống ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Tình hình hiện nay có thể lôi kéo không chỉ 1 hoặc 2 mà nhiều phong trào kháng chiến chia lửa với Hezbollah, chia lửa với Hamas và với Houthi để chống Israel, khiến xung đột bùng lên thành cuộc chiến tổng lực mà cả một số nước Ả-rập, Iran và các nước phương Tây thân Israel có thể bị kéo vào.
Iran không bao giờ công khai thừa nhận chuyện ủng hộ hay cung cấp vũ khí, tiền bạc cho các phong trào chống Israel ở Trung Đông, nhưng thực tế là có. Trước cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran, quan hệ giữa Israel và Iran như môi với răng. Nhưng sau đó, tất cả thay đổi, trở thành kẻ thù không đội trời chung. Iran muốn hất Israel xuống Địa Trung Hải, còn Israel coi các chế độ ở Iran từ năm 1979 đến nay “tàn ác hơn Hitler”. Tóm lại, hai nước không thể dung hòa, bất kể lãnh đạo là ai. Mối thù đó đã ngấm vào máu của người Do Thái và người Ba Tư (Iran). Việc Iran có tổng thống mới là người ôn hòa cũng khó có thể làm dịu mối quan hệ giữa hai đối thủ.
Mỹ là đồng minh số 1 của Israel, nhưng càng lúc ảnh hưởng của Mỹ với Israel càng yếu đi, dù Mỹ vẫn tài trợ cho Israel, thậm chí nhiều hơn xưa. Có 2 đảng thay nhau cầm quyền ở Washington, mỗi đảng có cách nhìn khác về cuộc chiến, về Trung Đông và đồng minh Israel. Đảng Dân chủ cầm quyền hiện nay không có quan hệ tốt với Israel như đảng Cộng hòa, đặc biệt dưới thời chính quyền Donald Trump.
Ngay sau khi Hamas đột kích Israel ngày 7/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để yêu cầu Israel không đưa quân sang Dải Gaza, hoặc nếu đưa quân sang phải nhanh chóng rút về, nhưng ông Netanyahu rõ ràng không nghe. Đến khi Israel sắp tấn công miền nam Dải Gaza, Mỹ cố ngăn chặn Israel bằng được nhưng cũng không có tác dụng.
Trên thực tế, Israel, đặc biệt là Thủ tướng Netanyahu có vẻ chỉ coi Washington là nơi họ mặc cả, gây sức ép và “kiếm chác”. Vai trò của Mỹ ở Trung Đông nói chung và Israel nói riêng đã giảm trong mấy thập kỷ qua. Từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (5/11), Washington khó có thể làm gì nhiều để ngăn chặn chiến tranh ở Trung Đông. Chừng nào Mỹ không quan tâm đến lợi ích của người Palestine, không muốn người Palestine có tổ quốc của riêng họ, mọi nỗ lực của Mỹ mà họ nói rằng để ngăn xung đột lan rộng ở Trung Đông sẽ không thành công.
Muốn chấm dứt xung đột ở Trung Đông, trước tiên phải giải quyết vấn đề Palestine - cốt lõi của mọi vấn đề ở Trung Đông. Những chuyện như Houthi bắn tên lửa qua Biển Đỏ vào Israel, Hezbollah tấn công qua biên giới sang Israel, các phong trào kháng chiến từ Syria và Iraq tấn công vào Israel và Israel đánh trả... đều bắt nguồn từ vấn đề Palestine. Chừng nào chưa giải quyết được vấn đề Palestine, người Palestine không có tổ quốc, người tản cư không có nơi trở về, không có thủ đô là Đông Jerusalem thì Trung Đông vẫn mãi như thế.
Vấn đề Dải Gaza chỉ là bề nổi. Sâu xa bên trong là vấn đề về giải pháp hai nhà nước. Gần 7 triệu người Palestine cần có Tổ quốc để trở về, phải được viếng mộ tổ tiên ở mảnh đất của họ, chứ không phải vái vọng từ Úc, Mỹ, Anh và nhiều nơi khác trên thế giới.
Tiến trình hòa bình Trung Đông phải kết thúc bằng giải pháp hai nhà nước. Mọi cuộc xung đột không thể giải quyết trên chiến trường, lấy oán trả oán chỉ khiến hận thù càng chất cao. Muốn có giải pháp hòa bình, trước tiên phải có thiện chí của những người trong cuộc, phải vì hòa bình, ổn định và phát triển, chứ không phải vì lợi ích của những người đóng vai trò dàn xếp.
Phạm Phú Phúc
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/dinh-diem-cang-thang-trung-dong-post1676237.tpo