Giải được bài toán sửa đổi chính sách đất đai một cách căn cơ và hiệu quả sẽ khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: H.P
Hội nghị Trung ương 12 diễn ra cuối tuần trước, vào ngày 18 và 19-7-2025, đã bàn thảo, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc sửa đổi các nghị quyết, kết luận của Trung ương nhằm tạo cơ sở chính trị để tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới. Một lần nữa, chính sách, pháp luật về đất đai tiếp tục được đặt ở vị trí trọng tâm, không chỉ vì đây là lĩnh vực nóng, nhạy cảm, mà còn bởi nó gắn bó mật thiết với lợi ích của toàn dân và là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó một tuần, Chính phủ đã tổ chức hội nghị đánh giá ba năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về đất đai và một năm thi hành Luật Đất đai năm 2024. Nhiều bất cập đã được chỉ ra. Trong đó, đáng chú ý là chính sách, pháp luật về đất đai hiện nay chưa tương thích với chủ trương tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp và chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Cơ chế thu hồi đất còn thiếu thống nhất, vẫn tồn tại sự phân biệt giữa dự án sử dụng vốn đầu tư công và dự án vốn đầu tư tư nhân. Các thủ tục liên quan như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất... còn rườm rà, kéo dài, gây ách tắc cho triển khai thực tiễn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sẽ trình cấp thẩm quyền để xin chủ trương trong kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội tiếp tục sửa Luật Đất đai 2024 nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, chính sách tài chính về đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong xác lập và kiểm soát giá đất với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Tình trạng lợi dụng đấu giá để đầu cơ, thổi giá, thao túng thị trường vẫn diễn ra ở không ít địa phương, gây mất ổn định thị trường bất động sản và phát sinh nhiều hệ lụy.
Đáng chú ý, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ; thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhưng chưa theo một định hướng rõ ràng, làm gia tăng rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Việc nghiên cứu, quy hoạch, phân bổ và sử dụng đất đai hợp lý - yếu tố then chốt để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển, vẫn còn bị xem nhẹ ở một số nơi, chưa được quan tâm đúng mức.
Với những bất cập Chính phủ đã chỉ ra và định hướng của Trung ương tại Hội nghị 12 vừa qua, có thể thấy, chính sách đất đai sẽ sớm được sửa đổi. Lần này không đơn thuần là chỉnh sửa kỹ thuật mà sẽ đặt lại nền móng toàn diện cho khung pháp lý điều chỉnh tài nguyên quan trọng bậc nhất của quốc gia.
Từ định hướng của Trung ương, có thể nhận thấy ba trụ cột lớn sẽ là kim chỉ nam cho tiến trình cải cách chính sách đất đai.
Một là hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu, quy hoạch và sử dụng đất. Đây là yêu cầu cốt lõi, nhằm tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn pháp lý vốn gây bức xúc kéo dài trong xã hội. Các vấn đề về sở hữu toàn dân, cơ chế giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất... nếu không được làm rõ ràng, minh bạch, công bằng, sẽ tiếp tục trở thành rào cản đối với môi trường đầu tư, kinh doanh. Trung ương nhấn mạnh phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây chính là lời giải cho bài toán mâu thuẫn lợi ích trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay.
Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Quản trị đất đai bằng công nghệ số, bằng dữ liệu đồng bộ, tập trung, liên thông là xu hướng không thể đảo ngược. Việc thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về đất đai không chỉ tăng tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, mà còn là điều kiện tiên quyết để áp dụng thuế đất hợp lý, thúc đẩy giao dịch điện tử và ngăn chặn tình trạng “đất chồng lên đất”, “mỗi nơi một kiểu” như hiện nay.
Trụ cột thứ ba là ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Trong giai đoạn phát triển trung hạn sắp tới ở nước ta, nhu cầu tập trung đất đai vào những nhóm mục tiêu trên là rất lớn và phần lớn nguồn quỹ đất đều từ đất nông nghiệp. Quan điểm “ưu tiên bố trí đất” cho các mục tiêu nói trên là cách tiếp cận phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; cũng sẽ là “điểm tựa” để thiết lập các chính sách phù hợp, bảo đảm lợi ích cho các bên liên quan và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, quá trình sửa đổi chính sách đất đai chưa bao giờ dễ dàng. Các nhóm lợi ích đan xen, cùng với thực trạng quản lý đất đai còn nhiều bất cập, sẽ là lực cản lớn. Ngay cả khi luật được sửa đổi một cách toàn diện, vấn đề vẫn nằm ở khâu thực thi. Nếu không có hệ thống dữ liệu đồng bộ, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và cơ chế giám sát hiệu quả, việc đảm bảo đất đai được sử dụng đúng mục đích và đem lại giá trị cho phát triển vẫn sẽ là một bài toán khó giải.
Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sẽ trình cấp thẩm quyền để xin chủ trương trong kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội tiếp tục sửa Luật Đất đai 2024 nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Sửa đổi chính sách đất đai là nhiệm vụ lập pháp phức tạp, nhạy cảm bậc nhất; nhưng giải được bài toán này một cách căn cơ và hiệu quả sẽ khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đất đai là “nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước”; quản lý, sử dụng đất phải “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, “đảm bảo lợi ích chung của toàn dân” - đây là những nguyên tắc cốt lõi để sửa đổi chính sách đất đai lần này. Cùng với đó, đổi mới tư duy lập pháp, đưa pháp luật thực sự trở thành công cụ phát triển, chứ không chỉ là công cụ quản lý, theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, cũng sẽ là “điểm tựa” để tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế, tạo đột phá trong quản lý và sử dụng đất đai.
An Nhiên