Ngày 12/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe đại diện Ban Soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tham gia thảo luận tại Tổ thảo luận số 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nghệ An và Đắk Nông. Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông làm Tổ trưởng.
Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ.
Tại phiên thảo luận đã có 9 lượt đại biểu góp ý vào nhiều nội dung tại 2 dự thảo luật trình tại kỳ họp này. Tham gia đóng góp ý kiến, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành và những nội dung của 2 dự thảo luật này. Cả 2 dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp theo chỉ đạo của Trung ương, trong đó phân định rõ hơn thẩm quyền giữa Quốc hội và Chính phủ trong công tác lập pháp, lập quy (quy định tại khoản 1 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội). Tuy nhiên, nhằm hoàn thiện hơn nữa các dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung vào cả 2 dự thảo luật quy định về phân định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng, ban hành pháp lệnh, để tránh trùng chéo, lúng túng trong thực hiện.
Đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật. Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo đã cố gắng, nỗ lực rất lớn trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ thành phần tài liệu theo quy định và gửi hồ sơ đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đúng thời hạn như yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, đại biểu góp ý về một số nội dung cụ thể như: Về giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung vào Điều 3, giải thích cụm từ “biện pháp”. Vì trong các điều 15, 18, 21 quy định các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND có thực hiện quy định biện pháp… nhưng không rõ biện pháp là gì?
Về trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 50 dự thảo Luật: Đề nghị quy định bổ sung trường hợp cần bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Về hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật (Điều 55 dự thảo Luật): Đề nghị bổ sung quy định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND được quy định hiệu lực trở về trước trong trường hợp để đảm bảo thực hiện các quyền, lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, các nhân.
Về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị quy định rõ hình thức ban hành văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật vì tại khoản 2, Điều 8 dự thảo Luật quy định “…văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền…”, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ hình thức văn bản bãi bỏ là văn bản hành chính hay văn bản quy phạm pháp luật; trong khi đó, Điều 50 dự thảo Luật quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại điểm đ, khoản 1 quy định trong trường hợp “…cần bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội”
Về quy định tại Điều 39 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng để bổ sung vào các trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH tại Điều 39 của dự thảo Luật cho phù hợp với Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Nêu ý kiến đóng góp vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, đối chiếu, rà soát để quy định cho phù hợp, thống nhất về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Thu Hằng