Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Kim Sơn, thành phố Tam Điệp

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Kim Sơn, thành phố Tam Điệp
3 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh với cử tri thành phố Tam Điệp.
*Sáng 30/9, tại Nhà văn hóa xã Đồng Hướng, các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri các xã: Đồng Hướng, Quang Thiện và Kim Chính (huyện Kim Sơn).
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo huyện và đại biểu cử tri các xã của huyện Kim Sơn.
Các đại biểu dự hội nghị.
Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, kỳ họp sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 21/10 - 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024. Tại kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 16 dự án luật và xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án; Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 nghị quyết quy phạm. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và một số vấn đề quan trọng khác.
Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, cử tri cũng phản ánh những khó khăn, bất cập nảy sinh từ thực tiễn đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cấp, ngành, địa phương quan tâm giải quyết.
Theo đó, liên quan đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cử tri đề nghị xem xét kéo dài thời gian chuyển đổi định kỳ đối với công chức địa chính - xây dựng; thực hiện liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp giữa cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện. Cử tri cũng đề nghị xem xét điều chỉnh cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an vào thời gian công tác để tính hưởng BHXH cho các trường hợp quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ sau ngày 15/12/1993, về địa phương tham gia hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Đại diện cử tri phát biểu tại hội nghị.
Liên quan đến lĩnh vực quân sự, an ninh trật tự, cử tri đề nghị tăng cường các chế tài xử phạt nghiêm đối với những trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; xem xét sớm sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là "ngành lao động đặc biệt" và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời đề nghị có các giải pháp tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết thu hồi, đình chỉ giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm, không đạt tiêu chuẩn, tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn đáng tiếc. Có các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, xử lý tình trạng tin nhắn rác. Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Quảng cáo, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Về lĩnh vực y tế, xã hội, cử tri đề nghị Bộ Y tế xem xét, ưu tiên nguồn lực, bổ sung thêm các hạng mục thuốc, trang thiết bị được hưởng từ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị vấn đề liên quan đến việc xem xét bảo đảm quyền lợi cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Quan tâm đến chiến lược phát triển của tỉnh, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét để Ninh Bình sớm được hưởng các chính sách đặc thù về đô thị di sản, qua đó giúp Ninh Bình có thêm các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời làm rõ các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảm ơn sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri trong suốt thời gian qua, mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đóng góp của cử tri và Nhân dân để hoạt động của Đoàn ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cử tri, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Kỳ họp thứ 8 là một kỳ họp với khối lượng công việc lớn nhất và có thời gian họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó công tác lập pháp chiếm một thời lượng lớn của kỳ họp. Tư duy công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng vừa đồng bộ, thống nhất, nhân văn, khả thi, hiệu quả và hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính ổn định,vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri Ninh Bình, các cơ quan chức năng tham gia góp ý gửi tới kỳ họp, nhất là trong công tác lập pháp và xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thông tin tới cử tri về một số nhiệm vụ của kỳ họp thứ 8, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin về Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã, trong đó có công chức địa chính - xây dựng; chế tài xử phạt nghiêm đối với những trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Luật Quảng cáo, Luật BHYT; kiến nghị về thực hiện chế độ thờ cúng liệt sĩ; vấn đề an ninh mạng… Theo đó, tiếp thu ý kiến của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu để đề xuất với Quốc hội xem xét, điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, cử tri tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Chia sẻ với kiến nghị của cử tri liên quan đến các chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho đây là mối quan tâm và kiến nghị chính đáng. Với tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử mà trên hết là tâm huyết của người con quê hương, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, ban hành Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025, trong đó có việc hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư. Đây cũng là cơ sở thuận lợi để Ninh Bình thực hiện mục tiêu, chiến lược của tỉnh, trong đó có việc đề nghị hưởng chính sách đặc thù, giúp Ninh Bình có điều kiện phát triển, trở thành một trong những động lực tăng trưởng của cả nước.
* Chiều 30/9, tại Nhà văn hóa phường Tây Sơn, các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri các phường Tây Sơn, Nam Sơn và xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp).
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo thành phố Tam Điệp.
Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những đổi mới và chất lượng hoạt động của Quốc hội; tin tưởng tinh thần làm việc trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh và kỳ vọng kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp.
Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.
Theo đó, về đầu tư hạ tầng giao thông, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét đầu tư kinh phí mở rộng mặt đường cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua xã Quang Sơn để đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời xây dựng hệ thống thu gom nước dọc 2 bên tuyến đường cao tốc. Đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn 2); quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường tránh từ Nho Quan đến đường Hồ Chí Minh (thuộc tỉnh Hòa Bình) để kết nối liên tỉnh, liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đi lại, giao thương hàng hóa…
Nhằm góp phần hiện đại hóa hoạt động thu phí, thuận tiện cho người sử dụng, hạn chế ùn tắc tại các Trạm thu phí ra vào cảng hàng không, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo có giải pháp triển khai thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không.
Liên quan đến công tác lập pháp, cử tri đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số điều trong Luật Đầu tư công, đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước; xem xét điều chỉnh một số điều trong Luật Đấu thầu cho phù hợp với thực tế.
Đại diện cử tri phát biểu tại hội nghị.
Về vấn đề giáo dục, cử tri cho rằng, chế độ lương đối với giáo viên Mầm non hiện nay còn nhiều thiệt thòi so với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy, cử tri đề nghị cần điều chỉnh hệ số lương của giáo viên Mầm non như giáo viên Tiểu học; cần xây dựng vị trí việc làm, hệ thống thang bảng lương cho cô nuôi trong các trường Mầm non phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đề nghị cần bổ sung thêm chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ thuộc đối tượng hộ nghèo. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế, giải pháp nâng cao chất lượng đầu vào của các trường Đại học như: tổ chức thi tuyển đầu vào để đảm bảo chất lượng, chặt chẽ và không xét tuyển hồ sơ dựa vào lực học nhằm tránh những tiêu cực trong thi cử.
Về các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, cử tri đề nghị tăng cường đầu tư nguồn lực, kinh phí, hỗ trợ cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Ban hành quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phổ biến các công nghệ số, phần mềm trong quản lý về môi trường, chất thải.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trả lời làm rõ các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại hội nghị tiếp xúc với cử tri thành phố Tam Điệp.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trân trọng cảm ơn các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh, trong đó có nhiều vấn đề tâm huyết, xác đáng. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để có ý kiến đóng góp với cơ quan soạn thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục khảo sát, tổng hợp và chuyển kiến nghị của cử tri đến Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và trao đổi với cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo, góp phần đảm bảo việc xây dựng, triển khai thực hiện Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước.
Trao đổi về những kiến nghị liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Dự án Tuyến đường cao tốc Bắc-Nam; tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn 1) là những dự án trọng điểm được Chính phủ quan tâm đầu tư; những kiến nghị, đề xuất của cử tri nhằm khai thác tối đa hiệu quả của các dự án là hoàn toàn xác đáng. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu để có kiến nghị với Chính phủ trong việc cân đối các nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn 2), tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cũng cần quan tâm phối hợp với các địa phương lân cận để thúc đẩy giao thương, qua đó khai thác tối đa dư địa mới để thu hút đầu tư.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng trao đổi, làm rõ những kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không; tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên…
Mai Lan - Đức Lam
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tiep-xuc-cu-tri-huyen-kim-son/d20240930105031689.htm