Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nam thảo luận ở tổ 16. Dự phiên thảo luận có đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam nhất trí cao với các nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, khi không còn chức năng kiểm sát chung, Viện Kiểm sát lấy điều kiện nào khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể hơn về vấn đề làm thế nào để Viện Kiểm sát biết được các thông tin để thực hiện quyền khởi kiện…
Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.
Tham gia ý kiến thảo luận đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhất trí cao với dự thảo nghị quyết. Đồng thời, khẳng định việc ban hành nghị quyết là hợp lý, tạo điều kiện để nhiều đối tượng có thể tiếp cận với nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất. Theo đó, trong dự thảo nghị quyết chưa có mục bán nhà ở xã hội cho những giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ giỏi... đề nghị có cơ chế cho đối tượng này nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương làm việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với trình tự chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn trong dự thảo nghị quyết đã có. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công quy định về trình tự thủ tục khi có chủ trương đầu tư bố trí vốn trung hạn, có dự án mới bố trí vốn năm, điều này sẽ gây mất rất nhiều thời gian cho các địa phương. Do vậy đối với quy định về nhà ở xã hội hoặc Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đề nghị, nếu đã bố trí vốn trung hạn là được bố trí vốn năm luôn, nhằm giảm thời gian, thủ tục, đẩy nhanh đầu tư công nói chung, nhà ở xã hội nói riêng. Về GPMB các dự án giao thông trọng điểm, dự án nhà ở xã hội, y tế, giáo dục… quy định đối với đất nông nghiệp cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục nhằm bảo đảm thời gian triển khai dự án được hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần có thêm cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nhà ở xã hội, tạo điều kiện khích lệ nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tư nhân; có cơ chế miễn giảm tiền thuê đất đối với việc kinh doanh dịch vụ tiện ích, thương mại trong khu nhà ở xã hội, tạo động lực cung cấp dịch vụ tối ưu cho người dân...
Tham gia ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng đề nghị, tại khoản 2 Điều 1 dự thảo: Về phản biện xã hội theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ “Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam và điều lệ của mỗi tổ chức”. Theo quy định này, các tổ chức thành viên của MTTQ hoạt động tương đối độc lập so với MTTQ, đây là quan điểm tiếp cận hoàn toàn hợp lý, bảo đảm tính tự chủ và phù hợp với vai trò, chức năng nhiệm vụ của các thành viên MTTQ. Tuy vậy, để bảo đảm nguyên tắc này được thực hiện một cách xuyên suốt, nhất quán. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định như: Về phản biện xã hội “Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đề án của cơ quan nhà nước” và “Ủy ban MTTQ Việt Nam phân công các tổ chức chính trị – xã hội phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và trách nhiệm của tổ chức mình”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.
Về đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi thêm khoản 1, khoản 2, Điều 26 (đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát) Luật MTTQ Việt Nam; nghiên cứu sửa đổi khoản 1, khoản 3 Điều 33 Luật MTTQ Việt Nam để phù hợp với quy định của Đảng tại Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị…
Đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sửa đổi, đại biểu tham gia một số ý kiến về những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai; xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của nhân dân; nghiên cứu bổ sung nội dung trách nhiệm “Bảo mật nội dung tố cáo, thông tin cá nhân người phản ánh theo Luật Tiếp cận thông tin”...
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị tại Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương. Trong khi đó, tại Điều 113 Luật Nhà ở năm 2023 về nguồn vốn của Nhà nước để phát triển nhà ở có bao gồm “… vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Luật Nhà ở năm 2023 đã cho phép, thừa nhận việc sử dụng nguồn vốn huy động từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của pháp luật là một nguồn vốn của nhà nước để phát triển nhà ở xã hội. Việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là phù hợp với Luật Nhà ở hiện hành, không phải một chính sách mới và không thuộc trường hợp phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo: Không đưa việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia (Điều 4) vào dự thảo Nghị quyết. Nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trường hợp cần thiết thì Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về Quỹ nhà ở quốc gia (hoặc Quỹ phát triển nhà ở quốc gia) tồn tại dưới hình thức một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền phát biểu ý kiến thảo luận.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 4 quy định: “ Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng chính sách xã hội khác theo quy định.”. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng là cần thiết nhằm đáp ứng thực tiễn đa dạng trong xã hội. Ngoài cán bộ, công chức, viên chức, còn nhiều nhóm yếu thế khác đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được tiếp cận chính sách như: người có công với cách mạng, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân, người già neo đơn, người dân bị thu hồi đất. Việc bổ sung các đối tượng này sẽ bảo đảm tính công bằng, toàn diện và nhân văn trong chính sách.
Tại Điều 10 quy định về thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đề nghị bổ sung thêm khoản 4: “4. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho người lao động của mình chỉ được bố trí theo đúng thời gian lao động tại doanh nghiệp, không được bán, chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào cho người lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng”. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng và bản chất chính sách an sinh xã hội; cần giới hạn quyền sở hữu và chuyển nhượng để nhà ở xã hội gắn chặt với thời gian lao động, mục tiêu sử dụng thực tế và quyền lợi của cả người lao động lẫn doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật...
Cũng trong phiên thảo luận, ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền đã tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng…
Mai Hương (Tổng hợp)