Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục
25 phút trướcBài gốc
Đoàn gồm các ĐBQH: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn; Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp.
Cùng dự có các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan và hơn 300 cử tri là cán bộ, giáo viên.
Các ĐBQH tỉnh tại hội nghị tiếp xúc cử tri.
Tại đây, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin tới các cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp khai mạc vào ngày 21/10, bế mạc vào sáng ngày 30/11 theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11).
Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 30 nội dung về công tác lập pháp, 15 nhóm nội dung về xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH, ngân sách nhà nước, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền. Đây cũng là kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.
Các cử tri ngành giáo dục bày tỏ sự vui mừng khi Luật Nhà giáo được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, đồng thời nêu nhiều ý kiến liên quan.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi thực hiện cải cách tiền lương giữ nguyên phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo để ghi nhận, động viên, thu hút nhà giáo có năng lực tham gia học tập, cống hiến cho giáo dục.
Quan tâm chính sách đối với nhà giáo công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập để khuyến khích tham gia thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục song hành với giáo dục công lập.
Cử tri Bùi Thị Nga, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đồi Ngô số 1 (Lục Nam) cho rằng, chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề, chưa thu hút được các sinh viên có năng lực tốt vào sư phạm ở một số môn học, tỷ lệ giáo viên nghỉ việc còn cao. Cử tri kiến nghị xem xét nâng hệ số thang bậc lương đối với nhà giáo để thu hút được nhân tài cho ngành.
Các cử tri cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sớm có quy định và hướng dẫn thực hiện chi trả chế độ tiền thừa giờ cho giáo viên mầm non như giáo viên phổ thông. Có quy định, hướng dẫn cụ thể về thời gian họp Hội đồng sư phạm cũng như sinh hoạt chuyên môn đối với các trường mầm non.
Quan tâm đưa giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại để được hưởng một số chế độ ưu đãi và được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Cử tri Nguyễn Trọng Mạnh, Trường THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) nêu ý kiến.
Cử tri Nguyễn Trọng Mạnh, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét điều chỉnh giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên do đặc thù ngành nghề. Quy định nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến việc ứng dụng chuyển đổi số và các yêu cầu khác trong triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Một số cử tri mong muốn Bộ GD&ĐT xem xét để giáo viên chủ nhiệm trong các trường dân tộc nội trú cấp THCS, cấp THPT được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy là 6 tiết/tuần để động viên, ghi nhận sự vất vả của đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ làm việc ngoài giờ cho cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để các địa phương thuận lợi, thống nhất trong triển khai thực hiện.
ĐBQH Trần Văn Tuấn tiếp thu ý kiến các cử tri.
Về tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các cử tri kiến nghị Trung ương bổ sung biên chế đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn 2024-2030 để bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp và không thực hiện tinh giản biên chế với tỷ lệ 10% đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn tới.
Cùng đó không khống chế tỷ lệ mà giáo viên được xét thăng hạng trong mỗi đơn vị. Khi giáo viên có đủ tiêu chuẩn điều kiện theo quy định thì được thăng hạng...
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Tuấn ghi nhận các ý kiến phát biểu của cử tri. Các ý kiến sẽ là những thông tin quan trọng để Đoàn đóng góp ý kiến trong quá trình thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo tại kỳ họp tới.
Vân Anh - Hữu Trình
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/doan-dbqh-tinh-bac-giang-tiep-xuc-cu-tri-nganh-giao-duc-170914.bbg